Mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 14,1 triệu ca mới mắc bệnh ung thư và có khoảng 8,2 triệu người tử vong.Trong đó, có tới 2/3 là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, theo nhận định của Bộ Y tế, bên cạnh các bệnh truyền nhiễm như tả, đậu mùa..., từng bước được đẩy lùi thì các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường đang có xu thế gia tăng giống với mô hình của các nước phát triển. Theo thống kê, mỗi năm ở nước ta có khoảng 150 ngàn ca mới mắc và trên 75 ngàn trường hợp tử vong do ung thư - gấp 7 lần tử vong do tai nạn giao thông.
Nhiều loại ung thư liên quan đến ăn uống gia tăng
Các bằng chứng khoa học đã chứng minh rằng có tới trên 80% nguyên nhân gây ra bệnh ung thư là do môi trường bên ngoài bao gồm: thuốc lá - thuốc lá là nguyên nhân của trên 30% trong tổng số các loại ung thư bao gồm ung thư phổi. Có tới trên 90% bệnh ung thư phổi có liên quan tới thuốc lá. Bên cạnh đó, các loại ung thư khác như khoang miệng, thực quản, thậm chí ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở nữ cũng có liên quan tới thuốc lá.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, chế độ dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư. Tức là trong chế độ ăn của chúng ta có quá nhiều chất đạm, mỡ, đặc biệt là mỡ động vật, ít hoa quả và rau xanh và chúng ta dùng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các thực phẩm có hóa chất bảo quản thực phẩm.
Các giai đoạn của ung thư đại tràng.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều loại ung thư có liên quan tới chế độ ăn uống gia tăng trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng ở nam giới năm 2000 có khoảng 11,4/100 ngàn dân là nam giới mắc bệnh thì tới năm 2010 đã lên tới 19,9/100 ngàn dân. Tương tự như vậy, đối với ung thư vú ở nữ năm 2000 chỉ vào khoảng 17,4/100 ngàn dân thì tới năm 2010 đã lên tới 30/100 ngàn dân. Tức là gần gấp đôi sau 10 năm.
Bản thân thực phẩm không gây ra ung thư, nhưng nếu ta dùng với tỉ lệ không hợp lý thì nó lại là nguyên do gây ra bệnh ung thư. Đặc biệt là khi chúng ta dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhất là các thực phẩm có bảo quản thuốc thực phẩm gây ra rất nhiều bệnh ung thư. Ví dụ, các chất có trong gạo mốc, dưa cà muối gây ra bệnh ung thư vòm họng, ung thư gan và rất nhiều bệnh ung thư khác có yếu tố ảnh hưởng từ chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
Một số nguyên do khác như nhiễm trùng, nhiễm virut viêm gan B sẽ dẫn tới viêm gan, ung thư gan. Nhiễm virut HPV thì sẽ gây ra ung thư cổ tử cung, nhiễm vi khuẩn HB thì sẽ gây ra ung thư dạ dày. Ngoài ra, một tỉ lệ nhỏ, có khoảng 5 -10% ung thư có liên quan tới yếu tố di truyền.
Bên cạnh đó, làm việc trong môi trường độc hại, ví như môi trường có thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, môi trường có tia phóng xạ... cũng là yếu tố, nguy cơ gây ra bệnh ung thư.
Chủ động phòng ngừa bệnh ung thư
Từ bỏ thuốc lá, thuốc lá không những ảnh hưởng đến người hút mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh là nguyên nhân của bệnh ung thư, bệnh tim mạch và một số bệnh khác.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học. Trong đó sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm vừa phải, tăng cường hoa quả, rau xanh, dùng các thực phẩm rõ nguồn gốc.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh đối với các trường hợp có chỉ định. Ví dụ, tiêm vắc-xin viêm gan B phòng viêm gan, qua đó phòng ung thư gan. Tiêm vắc-xin phòng HP để phòng ung thư cổ tử cung ở nữ giới.
Chế độ dinh dưỡng khoa học phải kết hợp với tập luyện đều đặn để duy trì cân nặng. Bởi lẽ, thừa cần béo phì cũng là yếu tố gây ra bệnh ung thư.
Quan trọng hơn cả là khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện sớm nếu có mắc bệnh ung thư. Phát hiện sớm thì chúng ta hoàn toàn có thể chữa khỏi được bệnh ung thư. Tại các nước phát triển, con người có thể chữa khỏi được trên 80% bệnh ung thư. Tại Việt Nam, tỉ lệ này thấp hơn bởi lẽ, có tới 70% bệnh nhân ung thư đi khám và phát hiện ở giai đoạn muộn.
((Chương trình Phòng chống ung thư Quốc gia))