Chế độ ăn uống hợp lý
Người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) phải rất chú ý đến việc dùng đúng cách chất carbohydrate. Mọi loại đường đều làm tăng mức glucose trong máu. Bệnh nhân ĐTĐ chỉ nên tiêu thụ rất ít chất ngọt; hạn chế các loại thức ăn chứa đường hấp thu nhanh; cũng giảm bớt thực phẩm có đường hấp thu chậm.
Tổng số calori hàng ngày của bệnh nhân phân bố từ bột, đạm, béo là 60 - 70% từ chất bột, 10 - 20% từ chất đạm, không quá 20% từ chất béo.
Bệnh nhân ĐTĐ nên dùng thức ăn giàu chất xơ (30 - 40g mỗi ngày); vì khi ăn chất bột cùng với chất xơ thì bột biến thành đường glucose rất chậm để vào máu, do đó không làm đường trong máu tăng cao. Các thực phẩm giàu chất xơ như: trái cây, rau, đậu, đậu Hòa Lan, đậu rồng, ngũ cốc nguyên hạt; chất xơ hòa tan được với nước rất có ích như: pectin, có trong lê, táo…
Người bệnh ĐTĐ nên kiêng mứt trái cây, trái cây chín ngọt, các loại mật ong, bánh mứt, kẹo, sôcôla… tóm lại là những thức ăn có hàm lượng đường cao; các loại nước uống có ga như: côcacôla, pepsi, nước trái cây… chứa lượng đường đáng kể đều gây tác hại cho bệnh nhân ĐTĐ.
Các loại rượu đều là nguồn cung ứng calori cao nên không có lợi cho việc giảm chất béo ở cơ thể, do đó không nên tiếp tục uống rượu. Có thể thận trọng uống một ít rượu trong phạm vi an toàn: đàn ông uống 2 - 3 chai bia nhỏ, hoặc một loại rượu tương đương khác mỗi tuần 2 - 3 lần. Còn phái nữ nếu có uống rượu thì chỉ nên uống nửa số lượng đó.
Chất khoáng chromium cần cho cơ thể sản xuất ra một chất kết hợp với insulin giúp tế bào sử dụng glucose. Khẩu phần mỗi ngày cần cung cấp 50 - 200mcg chromium. Thức ăn chức nhiều chromium là men bia, ngũ cốc không xát, bánh từ lúa mì, phô mai, nước cam và cải soong. Các gia vị như quế, nghệ, nụ đinh hương, lá nguyệt quế giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn.
Vitamin E giúp cho kiểm soát đường máu và phòng ngừa bệnh tim. Vitamin C ở liều cao có thể cản trở hoạt động của insulin.
Thực trị bệnh đái tháo đường
Theo thực đơn một: dùng trong giai đoạn điều trị, giúp cho cơ thể trở lại trạng thái cân bằng. Thực đơn này có đặc tính điều hòa mau chóng, gồm:
Gạo tẻ lứt 100%: số lượng tùy mức độ tiêu thụ của người bệnh; nhưng không quá 400g/ngày, không bao giờ ăn no. Chế biến dưới dạng cháo cơm hoặc bánh tuyệt đối không pha hóa chất hoặc dầu mỡ.
Muối, mè lứt: tỉ lệ muối và vừng tùy trạng thái của người bệnh lúc đó, cụ thể và đơn giản là dựa vào phân lòng hay bón mà gia giảm.
- Phân táo: 1g muối trộn vớí 10 - 12g vừng.
- Phân lỏng: 1g muối trộn với 5g vừng.
- Phân bình thường: 1g muối trộn với 6 - 7g vừng.
- Mỗi ngày không quá 50g muối vừng.
Gạo lứt rang sẫm nấu nước uống mỗi ngày 1/2 lít hoặc nước đun sôi giữ ở mức nóng khoảng 37oC. Thời gian ăn theo thực đơn 1, đến khi nào bệnh bắt đầu ổn định.
Gạo tẻ lứt có nhiều chất khoáng chromium
Thực đơn hai: dùng trong giai đoạn điều dưỡng, giúp cho bệnh mau chóng ổn định, đồng thời phục hồi sức khỏe. Thực đơn này có thêm thức ăn ngoài gạo lứt muối mè; không những để bổ sung theo nhu cầu loại bệnh mà còn để thay đổi món ăn cho bệnh nhân. Do đó, cần theo dõi sự quân bình, hợp lý trong từng bữa ăn qua xem xét phân và nước tiểu.
Thức ăn chính: gạo lứt tẻ 60% trộn tạp cốc (đậu đỏ 10%, đậu đen 10%, đậu nành 10%, kê 5%, vừng 5%). Số lượng và cách sử dụng như trong thực đơn 1.
Muối, vừng lứt như thực đơn 1. Rau, củ, cá... có quy định loại dùng cho từng bệnh. Mỗi ngày không quá 200g.
Thức ăn phụ: bí đỏ đẩy mạnh hoạt động của tụy, thúc đẩy sinh sản chất insulin.
Các loại hành tỏi có tác dụng nâng cao hấp thu vitamin B1.
Ăn những thứ này cùng với loại rau có nhiều vitamin càng có nhiều hiệu quả. Cà rốt, ngó sen có nhiều xơ tác dụng ngăn chặn chỉ số đường huyết tăng cao. Các loại nấm hương, mộc nhĩ tăng hiệu quả của vitamin D trong cơ thể, có tác dụng phân giải xử lý phần đường dư thừa trong cơ thể.
Một trong những lý do tăng nhanh chỉ số đường huyết là thiếu chất khoáng. Xì dầu chứa nhiều loại khoáng, men và các loại rau câu chứa nhiều iốt, canxi... Ăn lẫn với cá nhỏ ốc hến cũng tốt. Ngoài ra, tăng cường thức ăn bổ như: mầm mộng, diệp lục tố, men chẳng hạn có tác dụng nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Thức uống: dùng nước ép các loại rau: lá tía tô, lá củ cải, cà rốt, cần tây, mùi tây, cải bắp. Có thể dùng thêm sữa đậu, nước rau câu, mầm mộng, tác dụng rõ rệt để lọc máu.
Khẩu phần mỗi ngày cần cung cấp 50 - 200 microgram chromium
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ