Các nhà khoa học nói gì về “vi khuẩn sát thủ” ?
Các chuyên gia miễn dịch học đã phát hiện ra cơ chế kích hoạt tác nhân gây bệnh “sốt Việt Nam”. Đó là bệnh sốt nhiệt đớt Melioidosis do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Vi khuẩn này xâm nhập não và giết người nhanh chóng, chỉ 1 ngày sau khi lây nhiễm. Căn bệnh sốt nhiệt đới Melioidosis (còn gọi là bệnh nhiễm khuẩn Whitmore) đứng hàng thứ 3 về nguyên nhân gây tử vong ở Nam Á và Đông Nam Á, sau bệnh lao và HIV. Không ngẫu nhiên mà người ta gọi nó là “kẻ mạo danh nguy hiểm”. Melioidosis có thể xảy ra trong hai hình thức - cấp tính, với 40% số ca tử vong và mạn tính, mà các bác sĩ người Mỹ gọi là “bom Việt Nam hẹn giờ”. Nhiều cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã bị nhiễm vi khuẩn này khi tham chiến những năm 1970, nhưng những triệu chứng đầu tiên của Melioidosis chỉ xuất hiện 10-20 năm sau đó. Chuyên gia James St.John từ Đại học Tổng hợp Griffith ở Brisbane (Australia) và các đồng nghiệp đã xác minh được cách mà vi khuẩn này xâm nhập tất cả các mô cơ thể, kể cả não bộ và tủy sống - vốn có rào cản bảo vệ khỏi những cuộc đột nhập như vậy - ngay trong 24 giờ đầu tiên sau khi bị nhiễm.
“Hãy thử tưởng tượng, bạn ở ngoài trời và hít phải bào tử của Burkholderia pseudomallei trong đất, rồi ngày hôm sau, nó đã khu trú trong não và tủy sống. Vi khuẩn này nằm im đó, khiến cơ thể bạn không nhận ra rằng có tên “sát thủ” đang ẩn nấp, chúng chỉ chờ đợi thời điểm thích hợp để bùng phát và gây tổn thương não, phổi... và nó sẽ hủy hoại rồi sau đó giết chết bạn”, chuyên gia St. John miêu tả.
Những thông tin từ CDC
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) thì vi khuẩn Burkholderia pseudomallei phổ biến tại khu vực Đông Nam Á và phía Bắc Australia. Bệnh phổ biến trong khu vực từ Việt Nam sang Myanmar và Malaysia. Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei được Chính phủ Mỹ liệt vào danh sách vũ khí sinh học tiềm năng. Bệnh có thể nhiễm khuẩn từ da vào máu gây nhiễm khuẩn huyết hoặc diễn tiến thành một hình thái Melioidosis mạn gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp và mắt... Đặc biệt là các loài động vật cừu, dê, ngựa, lợn, trâu bò, chó và mèo có thể nhiễm vi khuẩn Melioidosis và truyền căn bệnh tương tự sang con người.
Thực trạng của bệnh sốt nhiệt đới Melioidosis tại Việt Nam
Chúng tôi đã gặp TS. Phạm Thanh Thủy - Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai và được biết, bệnh sốt Melioidosis hay còn được gọi theo tên nhà khoa học đầu tiên phát hiện ra loại vi khuẩn này là bệnh Whitmore - là một bệnh nhiễm khuẩn hiếm gặp, được BS. Whitmore phát hiện lần đầu vào năm 1911 ở Myanmar. Còn ở Việt Nam, một trong những ca Whitmore đầu tiên được GS. Nguyễn Xuân Nguyên phát hiện trên một bệnh nhân có áp-xe ở mắt. Loại vi khuẩn này có ở đất, đặc biệt là ở vùng đất bùn bẩn, ô nhiễm. Vi khuẩn thâm nhập cơ thể qua da bị trầy xước tiếp xúc trực tiếp với nước hay đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải bùn nước có chứa loại vi khuẩn này. Khi vi khuẩn Burkholderia pseudomallei đã thâm nhập cơ thể người, chúng có thể gây bệnh ngay hoặc “nằm yên” đến vài chục năm, chờ khi cơ thể người suy yếu là lúc thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh, do đó, bệnh thường gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch; bệnh nhân đái tháo đường; suy thận...
Điều trị cho bệnh nhân tại tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Ảnh: TM
Mỗi năm, Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai gặp khoảng chục trường hợp mắc bệnh này với biểu hiện lâm sàng khá phức tạp. Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là từ nhiễm khuẩn phổi, có thể diễn tiến từ nhẹ đến viêm phế quản, phổi nặng. Cũng có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da. Bệnh nhân thường có biểu hiện cấp tính như sốt cao, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực và đau nhức các cơ bắp. Khi diễn biến nặng có thể gây nhiễm khuẩn máu, do đó, nguy cơ tử vong cao. Khi điều trị, bệnh nhân cần được điều trị kéo dài, phải dùng kháng sinh liều cao 2 tháng, sau đó tiếp tục dùng kháng sinh ít nhất 6 tháng tiếp theo. Điều nguy hiểm là bệnh thường được phát hiện muộn và mặc dù đã được điều trị nhưng lại dễ tái phát, do đó, sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt do bệnh tái đi tái lại hoặc do điều trị không đúng phác đồ. Ngoài ra, việc điều trị bệnh phải mất nhiều thời gian và rất tốn kém nên có không ít bệnh không có đủ khả năng để theo điều trị. Đó là những nguyên nhân gây nên tử vong ở bệnh nhân nhiễm phải loại vi khuẩn nguy hiểm này.
Hiện nay ở Việt Nam các bệnh viện như Bạch Mai, BV TWQĐ 108 đã phân lập được trực khuẩn Burkholderia pseudomallei trong máu. Đây là cơ hội để việc chẩn đoán và phát hiện được căn nguyên gây bệnh sốt Melioidosis sớm. Nếu phát hiện sớm, điều trị bằng kháng sinh, các tình trạng nghiêm trọng của bệnh có cơ hội hồi phục tốt hơn và làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân...
Việt Hà