Information & Events

Thiền sai cách có thể gây hoảng loạn tâm trí, gù lưng

Date 03/31/2014 11:09

Thiền giúp người tập thanh lọc tâm trí, hình thành thói quen tập trung tư tưởng. Tuy nhiên, nếu ngồi thiền sai cách bạn sẽ “lĩnh đủ” như vẹo cột sống, gù lưng…

thien-sai-cach-co-the-gay-hoang-loan-tam-tri-gu-lung

Ảnh minh họa

Thiền và cột sống

Thiền là sự tập trung tư tưởng vào một điểm hay một đề mục duy nhất để dần dần đạt đến tình trạng trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ một ý niệm nào. Duy trì tình trạng tập trung này trong một thời gian nhất định vừa giúp thư giãn thần kinh lại có thể chữa bệnh. Thiền cũng giúp bạn kiềm chế cảm xúc, tỉnh thức hơn để nhìn nhận, xem xét vấn đề rõ hơn. Để thiền được người tập cần tập luyện từ từ và nâng cao dần, cần sự tĩnh tâm. Thiền sai cách không chỉ làm hại đến tâm trí mà cả thể chất cho người tập.

Về mặt cơ thể, tư thế ngồi thiền đúng là cột sống phải thẳng, không nghiêng bên trái hoặc bên phải, không cúi về phía trước cũng không ngả về phía sau, từ đỉnh đầu (bách hội) đến huyệt hội âm phải thẳng hàng. Thiền đúng tư thế có thể giúp cải thiện tình trạng vẹo cột sống bởi những người luyện tập thiền thường xuyên có xu hướng tập trung vào bên trong tâm trí và cơ thể, điều đó giúp kéo thẳng gai cột sống một cách tự nhiên. Tuy nhiên, nếu sai tư thế lâu ngày thì cũng sẽ gây ra hệ quả là cong vẹo cột sống và gù lưng. Cột sống bị suy yếu sẽ cản trở toàn bộ hệ thống thần kinh, dẫn đến một loạt các vấn đề về sức khỏe như đau lưng, đau cơ, tê liệt toàn thân, khó vận động các chi, làm suy yếu hệ hô hấp và tiêu hóa, giảm khả năng kiểm soát của ruột và bàng quang.

Một bài tập Yoga gồm 5 bước: thiền, khởi động, tập luyện, xoa bóp và thư giãn. Thiền sai do tư thế sai làm sai cả một quá trình tập luyện.

Hoảng loạn tâm trí

Một số phương pháp thiền phối hợp với vận khí hoặc có sự hỗ trợ khai mở các trung tâm lực trong cơ thể nhằm thúc đẩy nhanh quá trình sinh khí và gia tăng nội lực. Các phương pháp này có thể gây nguy hiểm nếu người tập thiếu các kiến thức về khí công, y học cổ truyền hoặc không có thầy dạy hướng dẫn để vận dụng và kiểm soát kịp thời nguồn năng lượng mới phát sinh.

Khi thiền tĩnh, người tập ngồi bất động, tập trung vào hơi thở. Việc ngồi thiền sai cách không chỉ gây tổn hại đến cột sống của người tập mà bản thân họ còn có thể rơi vào trạng thái hôn trầm. Tư thế sai, khí huyết không lưu thông làm loạn khí, tâm trí không linh hoạt, cảm giác hôn trầm (trạng thái nửa ngủ, nửa mê, không có sự tỉnh táo, sáng suốt) lâu dần sinh ra bệnh tật.

Người mới tập cần có người hướng dẫn thiền đã có kinh nghiệm. Nếu tập mà buồn ngủ, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hệ quả sau này làm gì cần đến sự tập trung cũng có cảm giác buồn ngủ và không thể tập trung được.

Trạng thái hôn trầm rất nguy hiểm bởi nó khó nhận biết. Bản thân người tập sẽ không nhận ra mình đang rơi vào trạng thái này nếu không có người giám thiền quan sát, hướng dẫn sửa chữa thì lâu dần sẽ thành bệnh, người lúc nào cũng trong trạng thái lơ mơ, không tập trung. Do vậy, khi làm bất cứ việc gì cũng rất nguy hiểm. Ví dụ như người đang lái xe hoặc bác sỹ đang trong ca mổ rất căng thẳng mà thiền, rơi vào trạng thái hôn trầm sẽ rất dễ gây ra tai nạn kéo theo vô số những hệ lụy ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.

thien-sai-cach-co-the-gay-hoang-loan-tam-tri-gu-lung

Bạn sẽ gặp một loạt các vấn đề về sức khỏe nếu thiền sai tư thế

Thẳng lưng để thiền đúng cách

Tư thế ngồi thiền tốt như tư thế kiết già (Tư thế toàn kiết già là hai chân được khoá vào nhau. Trước hết đặt bàn chân phải lên đùi trái rồi để bàn chân trái lên đùi phải. Kéo sát chân vào trong thân để ngồi được lâu hơn. Bàn tay trái để lên bàn tay phải hoặc ngược lại. Hai bàn tay để lên hai lòng bàn chân, những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau nằm ngay chiều rốn, cùi chõ ôm hông), hoa sen… bởi đây là những tư thế thẳng, vững chãi. Với người mới tập, người già vào tư thế thiền rất khó nên có thể sử dùng sự hỗ trợ như bồ đoàn hoặc khăn bởi yêu cầu của tư thế là đầu gối phải dưới hông (thấp hơn hông) để có thể thả lỏng hoàn toàn cơ thể. Cảm giác đau do ngồi sai cách sẽ làm bạn không thể tập trung, chú ý vào bài tập.

Không nhất thiết người tập phải vào tư thế kiết già và có thể sử dụng các dụng cụ đi kèm hỗ trợ nếu thấy cần. Tuy nhiên, bồ đoàn hoặc miếng lót không được quá cao, tạo thế chênh vênh, mất cân bằng cho người tập. Tay có thể để úp hoặc ngửa, quan trọng là vai xuôi, thả lỏng sao cho thật thoải mái. Nhất định phải giữ cho cột sống thẳng, thân thể thoải mái nhất, không gò bò, lên cơ khó chịu vì trong khi thiền sâu có một luồng năng lượng mạnh mẽ chạy dọc cột sống lên não. Nếu ngồi sai tư thế, cong hoặc gập người sẽ ngăn cản luồng năng lượng này, cản trở hơi thở và giảm sự tập trung của tâm trí. Ngồi trên mặt cứng như sàn nhà và không ngồi trên giường đệm. Cách tốt nhất là tập asana. Các bài tập co giãn, vặn mình của asana giúp cho cột sống khỏe và linh hoạt, nhờ đó người tập có thể ngồi thẳng người một cách thoải mái.

Với một số người gặp phải các vấn đề về cột sống thì có thể nằm thiền, đứng thiền và không bắt buộc chỉ có tư thế ngồi thiền là duy nhất. Những người thiền tốt thì dù ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh và tình huống nào họ cũng có thể thiền.

Thiền chỉ sử dụng năng lượng chứ không dùng sức nên rất cần sự từ tốn, kiên trì. Tùy theo sức cơ thể mà bạn có thể ngồi lâu hay ít. Điều quan trọng là cần tập luyện đều đặn hằng ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Người tập thiền phải có ý thức chỉn chu trong buổi tập. Cần sự chuẩn bị chu đáo, có tâm chứ không phải tập cho xong, tập cho đúng; có thời gian biểu rõ ràng, kiên trì nhưng thoải mái tuân thủ, không phải chỉ ngồi khi cảm thấy thích. Nên bắt đầu bằng tập thiền động để kiểm soát hơi thở và suy nghĩ của bản thân. Khi mới tập có thể ngồi khoảng 15 phút/lần, dần dần tăng lên. Sau một thời gian, khi não bộ đã ghi nhận thói quen thiền thì việc ngồi đúng tư thế, nhắm mắt, đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên hay giãn mềm cơ bắp sẽ hình thành nên những phản xạ có điều kiện giúp người tập đi vào trạng thái thiền định.

Theo Anninhthudo.vn