Nám da có khuynh hướng di truyền, các yếu tố nguy cơ bao gồm: Mang thai – rối loạn sắc tố thường mất dần vài tháng sau khi sinh; do thuốc tránh thai, bao gồm thuốc uống và tiêm progesteron; do tia cực tím trong nắng mặt trời và do xà phòng tắm gội, các vật dụng vệ sinh và mỹ phẩm - phản ứng nhiễm độc với ánh sáng; ngoài ra, nhiều trường hợp nám da không rõ nguyên nhân.
Nám da thường xuất hiện nhiều ở phụ nữ hơn nam giới. Thường xuất hiện độ tuổi 30 - 40 trở đi. Những người có màu da nâu vàng hoặc có màu da đen thường hay bị hơn so với những người có làn da sáng.
Nám da thường xuất hiện ở trán, hai má, môi trên sinh ra những vết nám giống như những đốm tàn nhang và các mảng nám lớn. Đôi khi xuất hiện ở hai bên cổ, vai và cánh tay. Nám da được phân biệt độ sâu như ở biểu bì, trung bì và hỗn hợp.
Một số hình ảnh nám da điển hình.
|
Ðiều trị nám da không thể nóng vội
Điều trị nám da có thể rất chậm có hiệu quả, do đó đòi hỏi phải kiên trì. Bắt đầu nhẹ nhàng, đặc biệt là nếu bạn có làn da nhạy cảm. Phương pháp điều trị vội vàng có thể gây ra viêm da tiếp xúc kích thích và có thể dẫn đến biến đổi sắc tố nặng hơn sau viêm nhiễm.
Thông thường, nên điều trị kết hợp theo các biện pháp sau đây: Ngừng uống thuốc tránh thai; Dùng kem chống nắng khi đi ngoài trời nắng. Sử dụng chất tẩy nhẹ để rửa và nếu da khô, dùng kem dưỡng ẩm nhẹ. Điều này có thể không thích hợp cho những người có mụn trứng cá.
Ngăn chặn sự hình thành sắc tố mới bằng các loại kem ức chế sự hình thành melanin của tế bào melanocytes, bao gồm: hydroquinon 2 - 4%, trong 2 - 4 tháng, thuốc có thể gây kích ứng và đỏ. Axit azelaic có thể được sử dụng lâu dài, an toàn ngay cả trong thời kỳ mang thai, tuy nhiên, thuốc có thể gây kích thích.
Sử dụng corticosteroid tại chỗ như hydrocortison có thể làm cho các vết nám nhanh chóng phai màu và giảm khả năng bị viêm da tiếp.
Phương pháp lột bỏ các sắc tố
Phương pháp này có thể sử dụng kem salicylic acid. Ngoài ra, có thể dùng alpha hydroxyacids bôi tại chỗ, gồm axit glycolic và axit lactic, giống như kem lột da được bôi lặp đi lặp lại. Retinoids bôi tại chỗ, chẳng hạn như tretinoin, nhưng có nhiều phản ứng phụ, có thể gây viêm da. Không sử dụng trong thai kỳ. Mài mòn da nám (dermabrasion) phải được tiến hành rất cẩn thận, gây tổn hại đến các tế bào sắc tố có thể làm tăng sản xuất sắc tố và sạm da hơn.
Phá hủy sắc tố với laser màu hoặc xung ánh sáng cường độ cao – là phương pháp điều trị tốt, cho kết quả nhanh chóng nhất. Hiện nay, công nghệ Spectra Laser là máy laser thế hệ mới nhất được ứng dụng vào điều trị nám da rất có hiệu quả sau 7 – 10 lần điều trị, mỗi 1 hoặc 2 tuần điều trị laser 1 lần, tổng thời gian điều trị là 10 – 20 tuần. trong thời gian điều trị, chúng ta chỉ cần dùng kem chống nắng có chỉ số SPF 50 trở lên để ngăn tia tử ngoại không làm tổn thương da là được, ưu điểm của phương pháp này là không phải uống thuốc lâu dài và cho kết quả khả quan.
Điều trị nám da mất nhiều thời gian và các biện pháp trên khó đạt được thành công hoàn toàn. Khoảng 30% bệnh nhân thành công hoàn chỉnh với sự kết hợp của hydroquinon, tretinoin và corticosteroid.
Nhưng đôi khi ngay cả trong những người có được một kết quả điều trị tốt nhưng sắc tố có thể xuất hiện trở lại khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong mùa hè hoặc do rối loạn nội tiết.
Những điều cần tránh khi bị nám da
Cẩn thận trong việc ăn uống: có những thức ăn làm sung huyết trên da, do đó sẽ làm các vết nám trở nên trầm trọng hơn. Cần tránh rượu, bia và các gia vị gây nóng. Ăn nhiều rau quả tươi, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, chơi thể thao đều đặn và tránh nắng.
Ðối với nám da do thuốc, mỹ phẩm, nám do nắng lâu ngày thì việc ăn uống không mấy hiệu nghiệm. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn phòng chống thì dần dần những vết nám sẽ nhạt dần và biến mất. Tuyệt đối không dùng những loại mỹ phẩm, thuốc trị nám bán ngoài thị trường mà trên bao bì sản phẩm không ghi thành phần. Nhiều người bị nám vĩnh viễn vì đã dùng qua các kem chứa adrenocorticiod như topsyn, cortibion, celestoderm, topgen, betamethason, synalar, valison, flucinar... như là mỹ phẩm thoa mặt. Kết quả là da mặt bị teo, dẫn tới rối loạn dinh dưỡng, mất sức đề kháng khiến da bị nám...
Tuyệt đối không tự ý bôi thuốc hoặc mỹ phẩm chữa nám cho dù thuốc hoặc mỹ phẩm đó đã được kiểm nghiệm qua một số người sử dụng mà không bị dị ứng hay bị tác dụng phụ nào.
BS. HOA TẤN DŨNG