Information & Events

Cách tiết kiệm tiền khi mang bầu

Date 03/11/2014 9:15

nhathuoctot.com

Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của các mẹ bầu xung quanh việc tiết kiệm tiền cho con nhé.

Có bầu – đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và mong mỏi của bất cứ cặp vợ chồng nào, nhưng những chi phí đi kèm cũng tiêu tốn kha khá ví tiền của các mẹ: Tiền khám thai, tiền bồi bổ trong suốt quá trình mang thai, tiền mua sắm đồ dùng, vật dụng cho bé… Tuy nhiên, nếu mẹ bầu có kế hoạch tiết kiệm ngay từ ban đầu thì bài toán kinh phí của các mẹ cũng khá dễ chịu. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của các mẹ bầu xung quanh việc tiết kiệm tiền cho con nhé.

Chị Trang – nhân viên văn phòng phát hiện mình mang bầu từ đầu tháng thứ 2. Do được cảnh báo từ trước về việc có bầu và sau này con ra đời sẽ rất tốn kém, con khỏe mạnh thì không sao chứ sụt sùi, ốm đau thì tiền triệu cứ đi vèo vèo nên ngay từ khi biết mình có bầu mẹ Nấm đã quán triệt tinh thần tiết kiệm triệt để cho con – với mong muốn đến lúc sinh nở và ở cữ mẹ sẽ không bị chi phối bởi chuyện kinh tế mà chỉ việc chăm con.

May mắn hơn nhiều cặp đôi khác phải đi thuê nhà, hai vợ chồng Trang (mẹ bé Nấm), trước khi cưới đã được bố mẹ hai bên mua cho một căn hộ hơn 30m2, 3 tầng khang trang, rộng rãi và mát mẻ. Cưới nhau về hai vợ chồng chỉ lo chi tiêu và tích lũy cho gia đình riêng, bố mẹ hai bên đều có điều kiện nên không phải giúp đỡ. Từ lúc biết tin mình có bầu, Trang thực hiện chính sách tiết kiệm bằng cách chỉ tiêu trong lương của chồng, lương của vợ là “bất khả xâm phạm”.

Vốn là người tiết kiệm và biết chi tiêu nên với mức 10 triệu/ tháng cho các chi phí: thuốc men, khám thai, sinh hoạt hàng ngày, tiền đối nội, đối ngoại…. Trang thấy việc tiêu nguyên lương của chồng cũng khá dễ chịu, cuộc sống gia đình không bị đảo lộn, do vậy hàng tháng lương đổ vào tài khoản bao nhiêu thì cứ ở yên trong đó bấy nhiêu. Ngoài ra với các khoản thu nhập bất thường như: thưởng dịp lễ, Tết; tiền làm thêm ngoài giờ… cô đều nhét lợn để tích lũy cho con.

Chẳng vậy mà trước khi nghỉ sinh Trang hồ hởi khoe có gần 40 triệu để đi đẻ, sinh xong lại được người thân, bạn bè, đồng nghiệp đến chúc mừng và tiền bảo hiểm thai sản nên số tiền của con đã tăng gấp rưỡi con số ban đầu.

“Số tiền này mình để trong tài khoản phòng lúc con ốm đau hoặc có việc cần thì còn có cái mà dùng, tích tiểu thành đại nên lúc ở cữ mình chỉ lo chăm con sao cho thật tốt, chứ lúc đó mà còn lo kinh tế nữa thì dễ bị stress, trầm cảm sau sinh lắm, mình hy vọng các mẹ bầu sẽ học hỏi được phần nào đó từ kinh nghiệm tiết kiệm của mình”.

cach-tiet-kiem-tien-khi-mang-bau

Không giống như Trang, Hoa – phóng viên một tờ báo điện tử tại Hà Nội cũng có cách tiết kiệm đáng để học tập.

Hiện tại vợ chồng Hoa đang thuê nhà riêng trên phố Đội Cấn, mặc dù phải thuê nhà nhưng cuộc sống của hai vợ chồng cũng “không đến nỗi nào”, chồng Hoa làm ngoài nên thu nhập không ổn định, có tháng cao bất thường nhưng cũng có tháng chỉ đủ chi tiêu cá nhân; còn Hoa vì đặc thù công việc vừa có lương cứng, vừa được hưởng nhuận bút nên thu nhập của cô cũng có phần xông xênh.

Lấy nhau được hơn một năm, không có quy định rõ ràng về việc hàng tháng chồng phải đưa cho vợ bao nhiêu để chi tiêu, mà như một nguyên tắc với các khoản chi phí: tiền nhà, tiền đối nội, đối ngoại – những khoản to to thì hàng tháng chồng Hoa sẽ chịu trách nhiệm; việc chợ búa, cơm nước hàng ngày Hoa sẽ đảm trách. Cuộc sống 2 vợ chồng trẻ nên khá đơn giản và thoải mái, từ ngày có bầu, chi phí cho ăn uống, sinh hoạt cũng trội thêm nhiều nhưng dao động ở mức 4 triệu đồng/ tháng. Chính vì vậy tiền lương hàng tháng Hoa tiêu không hết. Được các chị đồng nghiệp rủ chơi họ nên Hoa hào hứng tham gia, mỗi tháng 3 triệu đồng, nếu tháng nào còn dư thì cứ để nguyên trong thẻ. Có lúc hết tiền, ngại không đi rút Hoa lại thỏ thẻ xin chồng, thế là mỗi tháng cũng có thêm 1-2 triệu tiền chợ. Nhưng

Đến bây giờ, khi đang mang thai tháng thứ 6 thì số tiền từ việc chơi họ và tiền trong thẻ cũng được hơn 30 triệu, con số này sẽ tăng lên trong những tháng tiếp theo, Hoa chia sẻ “số tiền này là quỹ đen của riêng mình, chồng không biết việc này, mình lập quỹ này để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn, nếu lúc đó mà chồng có tiền thì mình sẽ rút số tiền này ra để lập một sổ tiết kiệm cho con, vì con đầu lòng nên mình muốn có sự chuẩn bị tốt nhất cho con”.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều cách để các mẹ tiết kiệm tiền cho con khi con chưa chào đời. Dù bằng cách này hay cách khác, việc có trong tay một khoản tiền dù ít dù nhiều sẽ giúp các mẹ tự tin hơn và chuẩn bị những điều tốt nhất chào đón bé yêu của bạn.

Theo Afamily.n