Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng cho biết, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H7N9) từ năm ngoái với 4 tình huống. Hiện nay, kế hoạch này vẫn còn giá trị và hợp lý. Việt Nam đang ở tình huống 1, chưa có ca bệnh trên người, song tình hình hiện nay khác năm ngoái.
Tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, giáp với Quảng Ninh và Lạng Sơn, đã có ca bệnh trên người; xét nghiệm trên đàn gia cầm cũng có virus H7N9. Người Hong Kong, Đài Loan đến các tỉnh của Trung Quốc đại lục về; khách du lịch Trung Quốc đến Malaysia cũng có bệnh. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cũng cảnh báo Việt Nam là nước có nguy cơ cao dịch xâm nhập.
"Vì thế Bộ Y tế đang tham mưu để kích hoạt các biện pháp ứng phó với dịch ở tình huống 2. Mục đích là chuẩn bị sẵn sàng khi có ca bệnh trên người chứ không chờ đến tình huống 2 mới kích hoạt", tiến sĩ Phu nói.
Bộ Y tế đang tập trung giám sát mạnh, rộng và sâu hơn tất cả những trường hợp viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp để phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên, điều trị ngay, không để tử vong. Thuốc điều trị cúm Tamiflu cũng được dự trù theo từng tình huống.
"Chỉ khi khống chế được dịch trên gia cầm thì sẽ khống chế được dịch trên người. Vì thế hai Bộ Y tế và Nông nghiệp cần có sự kết hợp chặt chẽ. Thời điểm này tập trung giám sát xem nơi nào có virus này trên gia cầm thì thông báo kịp thời cho y tế để có biện pháp ứng phó, xác định nguy cơ lây sang người", ông Phu nhấn mạnh.
Ngày 23/2, Bộ y tế sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm A (H7N9), A (H5N1) với 63 tỉnh, thành.
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 137 ca mắc cúm A (H7N9), 32 trường hợp tử vong. Như vậy, số ca mắc trong 2 tháng đầu năm nay tương đương với cả năm 2013.
Nam Phương