Information & Events

Bệnh chảy nước mắt do tắc nghẽn lệ đạo

Date 03/19/2014 9:12

nhathuoctot.com

Tắc hệ thống lệ đạo gây ra chứng chảy nhiều nước mắt. Bệnh thường gặp ở người lớn, song cũng xảy ra ở trẻ sơ sinh 1-2 tuần tuổi. Phương pháp điều trị hiện nay là phẫu thuật túi lệ mũi, tạo một đường thoát mới cho nước mắt. Nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến tử vong.

“Bình thường, người ta chỉ chảy nước mắt khi xuất hiện cảm xúc thái quá như buồn bã, giận dữ, đau khổ hoặc hạnh phúc… Ngược lại, khi không có cảm xúc nhưng nước mắt vẫn lưng tròng, thậm chí rơi thành giọt lã chã thường xuyên, thì đó là dấu hiệu của bệnh chảy nước mắt sống”, giáo sư Lê Minh Thông, Trưởng Khoa Tạo hình thẩm mỹ và thần kinh nhãn khoa, Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh, cho biết. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, bệnh viện này nhận điều trị khoảng 30-40 trường hợp bị tắc nghẽn hệ thống lệ đạo.

benh-chay-nuoc-mat-do-tac-nghen-le-dao

Ảnh minh họa – Internet

Có nhiều nguyên nhân gây tắc nghẽn hệ thống lệ đạo như người bệnh từng bị đau mắt hột, viêm mũi, viêm xoang, chấn thương vùng sống mũi… Tuy nhiên cũng có trường hợp vô căn, chủ yếu ở phái nữ. Lý giải trường hợp này, người ta nghĩ nhiều đến khả năng xáo trộn nội tiết tố làm phình trướng hệ thống lệ đạo gây tắc nghẽn.

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chảy nước mắt sống thường trải qua tình trạng mắt ướt, nhìn mọi vật nhòe đi. Trường hợp nặng hơn, nước mắt có thể rơi xuống má. Lâu dài, sự tắc nghẽn lệ đạo làm ứ đọng chất nhờn gây viêm niêm mạc túi lệ và dẫn đến bệnh viêm túi lệ mãn tính. Lúc này, để có cảm giác nhẹ nhàng và dễ chịu, người bệnh thường dùng tay ấn vào vùng túi lệ để giải tỏa chất nhờn. Nếu không điều trị sớm, tình trạng này sẽ dẫn tới những biến chứng như viêm túi lệ cấp, sưng tấy hốc mắt, thậm chí viêm màng não, nhiễm trùng huyết và tử vong.

Giáo sư Thông cho biết, phần lớn bệnh nhân chảy nước mắt sống thường đến bệnh viện khi đã có mủ nhờn trong túi lệ. Lúc này, bác sĩ phải bơm nước muối vào xác định chẩn đoán. Cách thông lệ đạo không có tác dụng điều trị tắc lệ đạo ở người lớn mà chỉ có hiệu quả với ở trẻ em. Người bệnh không nên đi thông quá ba lần, vì thông nhiều sẽ làm hư lệ đạo, phẫu thuật sau này kém hiệu quả. Phương pháp điều trị tối ưu là phẫu thuật tiếp khẩu túi lệ mũi, nghĩa là tạo một ra đường thoát mới giúp nước mắt chảy vào mũi trở lại.

Hiện tượng chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh

Hiện tượng mắt ướt xảy ra ở trẻ từ 1-2 tuần tuổi thường kèm theo viêm kết mạc. Thông thường đây là chứng tắc lệ đạo bẩm sinh – hiện tượng các van trong lệ quản chưa được thông hoàn toàn. Tuy nhiên, khoảng 60-70% số trẻ mắc bệnh sẽ tự khỏi do hiện tượng tắc nghẽn được giải tỏa một cách ngẫu nhiên. Để thúc đẩy quá trình này, các bà mẹ nên mát-xa góc trong mí 2-3 lần/ngày. Nếu sau vài tuần mát-xa mà trẻ vẫn tiếp tục chảy nước mắt sống hoặc bệnh viêm kết mạc tiến triển nặng hơn thì cần đưa trẻ tới bệnh viện chuyên khoa để khám. Trường hợp đã dùng mọi cách mà bệnh của trẻ vẫn không khỏi, cần tính đến phẫu thuật. Lưu ý bệnh chảy nước mắt sống ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, vì vậy cần đưa trẻ đi khám sớm để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Theo nld.com.vn