Thông tin & Sự kiện

Ung thư vú và thai nghén: Những điều cần biết Thứ Bảy, 08/06/2013 08:18

Ngày 10/06/2013 16:03

Tôi đang chuẩn bị điều trị ung thư vú thì lại phát hiện có thai, có nên giữ thai khi tôi đã 36 tuổi và đang mong có con đầu

Tôi đang chuẩn bị điều trị ung thư vú thì lại phát hiện có thai, có nên giữ thai khi tôi đã 36 tuổi và đang mong có con đầu?  Đó là một trong số nhiều câu hỏi bạn đọc gửi về tòa soạn báo SK&ĐS. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin, chúng tôi giới thiệu bài viết của BS. Hồng Ánh.

Ung thư vú khi đang có thai không quá hiếm nhưng ngày càng gặp nhiều hơn ở phụ nữ có tuổi mới mang thai và sinh đẻ. Về phương diện y học, các liệu pháp điều trị đã được chuẩn hóa nhưng chưa đủ các nghiên cứu và đánh giá về mặt cảm xúc đối với những trường hợp còn khá phức tạp này. 

 

Ung thư vú và thai nghén:   Những điều cần biết  1
 

 

Chiến lược đặt ra với ung thư vú ở phụ nữ có thai phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn nào của thai nghén: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa hay 3 tháng cuối?

Chữa ung thư vú khi mang thai như thế nào? Tỷ lệ chẩn đoán ung thư vú khi mang thai ở Pháp khoảng 200 - 300 trường hợp mỗi năm. Tuy nhiên, ngày nay tuổi phụ nữ sinh con lần đầu đã cao hơn và việc quản lý ung thư khi đang mang thai cũng đã có chất lượng hơn.

Thai nghén không làm khó cho việc điều trị, với ung thư vú, ngày nay tiên lượng không có gì khác giữa phụ nữ có thai và không có thai. Điều này liên quan đến biểu hiện ban đầu: đó là loại ung thư của phụ nữ trẻ, nói chung xâm lấn hơn và chẩn đoán thường hơi chậm vì không ở trong môi trường phát hiện mà trong lúc sinh đẻ. Việc điều trị do thầy thuốc chuyên khoa ung thư và thầy thuốc phụ khoa cùng xây dựng và dựa trên giai đoạn mang thai, thể ung thư và kích thước khối u. Rất nhiều khi phải chỉ định hóa liệu pháp nhưng không phải thực hiện giống nhau mà theo từng giai đoạn. Thầy thuốc phải chấp nhận liệu pháp này với điều kiện phải theo dõi sát thai nghén.  

Nói một cách giản lược, điều trị ung thư vú ở 3 tháng đầu của thai nghén khác hẳn với 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Trong trường hợp phát hiện ung thư vú khi mới có thai thì vấn đề đình chỉ thai nghén được đặt ra. Việc này có thể trở nên cần thiết nếu như cần phải chỉ định khẩn cấp hóa liệu pháp, chỉ định này có thể làm cho phôi thai bị nhiễm độc vì đang ở giai đoạn tạo thành các cơ quan và tỷ lệ dị dạng bẩm sinh cao. Nếu người mẹ vẫn muốn giữ thai thì có 2 lựa chọn: 1) Chờ đến khi thai đã ở 3 tháng giữa (ngoài 12 tuần thai nghén) mới bắt đầu dùng hóa liệu pháp.  2) Tạm thời bằng lòng với can thiệp ngoại khoa và chờ khi đẻ xong thì bắt đầu điều trị bổ sung. Khi đã ở giai đoạn giữa của thai nghén (ít nhất đã 4 tháng) thì thầy thuốc có thể yên tâm hơn vì đã có thể chỉ định hóa liệu pháp truyền thống. Ở 3 tháng cuối cũng vậy. Điều đáng ngạc nhiên là phụ nữ mang thai bị ung thư vú dung nạp liệu pháp hormon tốt hơn nhiều, không bị nôn, trạng thái sức khỏe tổng thể vẫn ít thay đổi. Hóa liệu pháp nên ngừng trước khi sinh 2-3 tuần và sau khi sinh 2-3 tuần mới lại tiếp tục. Ngày nay, gần như không cần phải làm cho cuộc đẻ diễn ra sớm, chỉ cần thai nghén đã vượt qua tuần 37 hay 38 kể từ khi mất kinh.

Phát hiện ung thư vú khi có thai? Khối u vú thường có thể phát hiện trên lâm sàng. Ngay từ lần khám thai đầu tiên đã có thể phát hiện thấy một u nhỏ và được xác định bằng chẩn đoán hình ảnh và chọc thăm dò. Không có kỹ thuật phát hiện có giá trị nào ở hoàn cảnh này. Nên thực hiện khám vú có hệ thống ngay từ khởi đầu của thai nghén, nếu cần thiết thì thêm cả siêu âm chẩn đoán.

 

Ung thư vú và thai nghén:   Những điều cần biết  2
Kiểm tra, chẩn đoán ung thư vú

Thuốc điều trị ung thư vú có độc hại cho thai? Bao giờ cũng cần lo ngại về mọi thứ thuốc dùng trong khi đang mang thai, chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của hóa liệu pháp đến thai và trẻ sơ sinh. Vì vậy, các thầy thuốc đã sử dụng phương pháp hồi cứu để tiếp cận với những nguy cơ và lợi ích. Kết quả bước đầu cho thấy: Không có những vấn đề nghiêm trọng xét trong thời gian ngắn, chỉ có những tác dụng tạm thời đến tình trạng máu ở trẻ sơ sinh, chưa có nghiên cứu dài hạn ở những trẻ này và cần có nghiên cứu dài hơi hơn với những trẻ bị tác động của thuốc khi còn trong tử cung. Tất nhiên sẽ tốn kém, khó khăn nhưng khả thi. Hiện cũng chưa có nhiều thông tin về taxane như là hóa liệu pháp khi có thai và cơ chế tác dụng, chưa rõ thuốc có vô hại với thai không cho nên không dùng cho phụ nữ mang thai. Với nhiều liệu pháp khác cũng vậy (herceptin, dùng kháng thể). Số lượng bệnh nhân ít cũng gây khó khăn cho nghiên cứu.     

Trạng thái tâm lý khi ung thư vú kết hợp với thai nghén: Lo lắng làm cho cuộc sống bản thân nhưng mong muốn đem lại cuộc sống cho con là sức mạnh lớn với người bệnh, có ý nghĩa như một sự nâng đỡ tâm lý. Người bệnh quan tâm đến sự phát triển của con hơn cả bệnh của mình. Đôi khi cần phải đình chỉ thai nghén vì lý do liên quan đến ung thư thì đó là một khó khăn lớn về mặt tâm lý với cặp vợ chồng. Ngược lại cũng có một số người bệnh không lựa chọn giữ thai trong khi chính thầy thuốc lại không thấy có vấn đề gì. Sau đẻ cũng là một thách thức vì mẹ phải tiếp tục điều trị nên không thể cho con bú và một số bà mẹ có cảm tưởng như đã tước đoạt tuổi thơ đầu tiên của con họ.       

BS. Hồng Ánh