Nhịn tiểu sẽ khiến nước tiểu lắng đọng và gây bệnh nhiễm trùng đường tiểu. Thỉnh thoảng, vì lý do nào đó mà nhịn thì không sao. Nhưng nếu thường xuyên nhịn, canxi sẽ lắng đọng (do trong nước tiểu có canxi) và gây nhiễm trùng tiết niệu, sỏi đường tiết niệu.
Trẻ trai hay gái nếu nhịn đi tiểu do e ngại hoặc không có chỗ đi vệ sinh rất nguy hiểm vì các lý do: Một là nước tiểu gồm các chất cặn bã mà cơ thể cần thải ra ngoài, khi bị ứ lại lâu trong bàng quang, các chất này sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập cơ thể và gây nhiễm khuẩn tiểu.
Nhiễm khuẩn tiểu gặp ở trẻ gái nhiều hơn ở trẻ trai do niệu đạo ở trẻ gái ngắn hơn, vi khuẩn dễ xâm nhập và gây nhiễm khuẩn hơn. Hai là, khi trẻ ngại đi tiểu sẽ làm cho trẻ không dám uống nhiều nước, điều này cũng rất có hại. Cơ thể trẻ cần 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày, được cung cấp từ thức ăn và nước uống. Uống đủ nước sẽ giúp thận loại thải tốt các chất bã.
Ảnh minh họa – Internet
Vì vậy, bạn cần nói cho cháu rõ tác hại của việc nhịn tiểu và động viên cháu nên đi tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu. Bạn nên cho cháu mang theo bình nước khi đi học để uống nước đầy đủ. Khi ở trong phòng có máy lạnh, nên hướng dẫn cháu uống nhiều nước hơn do máy lạnh làm khô da.
Bạn cần nhắc nhở con: “Buồn tiểu thì xin cô giáo ra ngoài, nhịn âm thầm sẽ âm tốt…”. Bạn không nói rõ có phải con bạn mới đi học mẫu giáo không. Thường những đứa trẻ mới đi học, do thay đổi môi trường sẽ dẫn đến stress với các biểu hiện như sợ đi học, lầm lì, hay quấy khóc, lèo nhèo…
Việc cháu hay nhịn tiểu cần được trao đổi với cô giáo để cô giúp cháu hòa nhập với môi trường mới hơn. Bạn cũng nên nhờ cô nhắc cháu đi tiểu thường xuyên cho đến khi cháu bạo dạn hơn, có thể mạnh dạn xin phép cô mỗi khi buồn tiểu.
Ngoài ra, bạn cũng nên hướng dẫn con gái sau mỗi lần đi tiêu, tiểu, nên rửa và lau chùi đúng cách: lau chùi từ trước ra sau, chứ không từ sau ra trước, do lỗ tiểu ở phía trước và hậu môn nằm phía sau, để không đưa vi khuẩn từ hậu môn vào đường niệu.
Theo Phunutoday.vn