Thông tin & Sự kiện

Thuốc trị suy nhược thần kinh

Ngày 31/07/2015 20:51

nhathuoctot.com

SKĐS - Dấu hiệu thường gặp nhất của suy nhược thần kinh là mệt mỏi. Mệt mỏi do suy nhược thần kinh thường không có nguyên nhân,

Tôi 46 tuổi, gần đây thường xuyên mệt mỏi, ngủ không yên giấc, ngủ dậy vẫn rất mệt mỏi, uể oải. Đó có phải là những triệu chứng của suy nhược thần kinh không? Có loại thuốc nào chữa trị chứng suy nhược thần kinhkhông, thưa bác sĩ?

Nguyễn Thu (Hà Nội)

Theo thư bạn mô tả thì có thể nghĩ tới các dấu hiệu của chứng suy nhược thần kinh mà Đông y còn gọi là tâm căn suy nhược và chứng bệnh này có liên quan chặt chẽ đến trạng thái trầm cảm.

Dấu hiệu thường gặp nhất của suy nhược thần kinh là mệt mỏi. Mệt mỏi do suy nhược thần kinh thường không có nguyên nhân, nghỉ ngơi bồi dưỡng thế nào cũng không hết mệt, thậm chí càng ngủ càng mệt và yếu sức. Đi kèm với mệt mỏi là trạng thái tinh thần bực bội khó chịu, không yên, khó đi vào giấc ngủ. Các cơ quan khác của cơ thể cũng thường cảm thấy khó chịu như: tim hồi hộp, tức ngực thở gấp, chán ăn, khó chịu ở dạ dày, đôi khi tiêu chảy, táo bón, kinh nguyệt không đều... Ngoài ra, chứng suy nhược thần kinh còn gặp khi người bệnh mắc các bệnh như: chấn thương sọ não, vữa xơ động mạch, thiểu năng tuần hoàn não, bệnh lý dạ dày tá tràng, tăng huyết áp, nội tiết (đái tháo đường, Basedow...) và sau khi mắc một số bệnh nhiễm khuẩn...

Khi thấy các triệu chứng trên bạn cần đi khám để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Nếu suy nhược thần kinh do bệnh thực thể, phải điều trị bệnh khỏi thì chứng suy nhược thần kinh cũng hết. Nếu bệnh do căn nguyên tâm lý gây nên thì phải có biện pháp giải quyết và loại trừ căn nguyên tâm lý.

Để điều trị chứng suy nhược thần kinh (không do bệnh lý), tùy trạng thái bệnh mà bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các thuốc như:

Các thuốc có tác dụng lên quá trình hưng phấn hệ thần kinh: sulbutiamine hoặc asthenal uống sau ăn sáng. Nếu uống vào buổi trưa hoặc tối có thể gây mất ngủ.

Thuốc tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng não: piracetam, ginkgo biloba...

Thuốc an thần, trấn tĩnh: Nên dùng các thuốc có tác dụng an thần nhẹ, trấn tĩnh. Tuy nhiên, nhóm thuốc này thường gây quen thuốc nên sử dụng cần thận trọng. Tốt nhất nên dùng chế phẩm có xuất xứ từ thảo dược để hạn chế tác dụng phụ và tình trạng lệ thuộc thuốc như: tâm sen, lá vông, lạc tiên, củ bình vôi.

Các thuốc tăng cường thể lực: đó là các vitamin tổng hợp, thuốc bổ chứa axit amin... Đây là nhóm thuốc cung cấp các yếu tố vi lượng, có tác dụng tới quá trình chuyển hoá của cơ thể đồng thời nó cũng có tác dụng phụ không tốt nếu ta dùng quá liều và không đúng chỉ định.

Để điều trị chứng suy nhược thần kinh hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và thầy thuốc, sự kiên trì của người bệnh, kết hợp dùng thuốc với tập luyện, thư giãn, tránh các sang chấn tâm lý...

DS. MINH THÀNH