Thông tin & Sự kiện

Thuốc điều trị trong da liễu

Ngày 01/04/2015 21:11

Da có nhiệm vụ che chở, bảo vệ cơ thể chống lại những tác động có hại cho cơ thể về sinh học, lý học, hóa học. Da làm nhiệm vụ hấp thu, dự trữ và chuyển hóa các chất, bài tiết các chất bảo vệ da, đào thải các chất độc, thu nhận cảm giác, điều hòa thân nhiệt, cân bằng nội môi.

 

Thuốc điều trị trong da liễu

Da có nhiệm vụ che chở, bảo vệ cơ thể chống lại những tác động có hại cho cơ thể về sinh học, lý học, hóa học. Da làm nhiệm vụ hấp thu, dự trữ và chuyển hóa các chất, bài tiết các chất bảo vệ da, đào thải các chất độc, thu nhận cảm giác, điều hòa thân nhiệt, cân bằng nội môi.
Da có liên quan mật thiết với các bộ phận khác trong cơ thể, là nơi phản ánh tình trạng các cơ quan nội tạng, các tuyến nội tiết, những biểu hiện nhiễm độc, nhiễm trùng và dị ứng. Khi da bị tổn thương sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều chức năng. Ngược lại, khi chức năng da hoặc chức năng của các quan nội tạng bị rối loạn sẽ gây nhiều bệnh da khác nhau. Vì vậy, bệnh ngoài da là rất phổ biến, gặp ở mọi nơi, mọi người và mọi lứa tuổi.
 
Tác nhân gây bệnh phức tạp có thể do từ bên ngoài tác động vào (như mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc…), có thể do những rối loạn tiên phát (bẩm sinh) hoặc thứ phát (mắc phải) ở bên trong cơ thể sinh ra, cũng còn có nhiều bệnh da đến nay vẫn chưa xác định được căn nguyên. Nhiều bệnh da vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu như bệnh vảy nến, các bệnh da bọng nước tự miễn... Để đạt hiệu quả cao trong điều trị bệnh ngoài da thì cần phải có chẩn đoán chính xác, lựa chọn các thuốc, các phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh cụ thể và từng giai đoạn tiến triển của bệnh.
Các phương pháp điều trị bệnh ngoài da bao gồm: điều trị tại chỗ, điều trị toàn thân kết hợp với loại bỏ căn nguyên gây bệnh.
Có thể tạm chia thuốc điều trị bệnh da thành các nhóm chính: nhóm thuốc bôi tại chỗ, nhóm thuốc chống ngứa, nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn, thuốc chống nấm, thuốc điều hòa ức chế miễn dịch, thuốc điều trị nguyên nhân, thuốc y học cổ truyền, ánh sáng trị liệu và nhóm các thuốc nâng cao thể trạng...
 Bôi thuốc ngoài da
Thuốc bôi ngoài da
Có loại dung dịch trong nước và trong cồn. Dạng thuốc này có tác dụng nhất thời dùng trong giai đoạn cấp tính. Các dung dịch màu nên bôi vào buổi chiều tối, tránh nắng. Bởi vì, các hoạt chất màu dễ mẫn cảm với ánh sáng để trở thành chất cảm quang gây viêm da do ánh sáng.
Là loại thuốc rất cần thiết trong chuyên ngành da liễu vì hầu hết các bệnh ngoài da đều phải sử dụng. Thuốc bôi ngoài da rất phong phú đa dạng, có nguồn gốc khác nhau. Tác dụng điều trị của thuốc phụ thuộc rất nhiều vào các dạng thuốc. Khi dùng thuốc bôi ngoài da cần biết rằng thuốc không chỉ có tác dụng tại chỗ mà còn có tác dụng toàn thân và phải tuân thủ theo các nguyên tắc là: dùng thuốc khi đã được các thầy thuốc chẩn đoán xác định bệnh da; chỉ định các loại thuốc, dạng thuốc và cách dùng phải phù hợp với tình trạng của bệnh. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc bôi ngoài da vì có thể gây các biến chứng và hậu quả nguy hiểm. Các dạng thuốc bôi ngoài da  thường dùng:
Thuốc kem (kẽm oxýt 10%...): thành phần gồm có 2 pha dầu và pha nước có tác dụng làm dịu da và bảo vệ da, thường được dùng trong giai đoạn bán cấp và trong thẩm mỹ.
Thuốc mỡ (salysilic 5%, Daivonex, Panoxyl 5-10…): là dạng thuốc bôi ngoài da phổ biến nhất, thành phần gồm pha dầu và hoạt chất. Thuốc mỡ làm mềm da, tăng khả năng hấp thu của da nhưng làm trở ngại bài tiết và gây bít da. Không dùng dạng thuốc mỡ khi thương tổn đang ở giai đoạn cấp tính hoặc chảy nước. Thường dùng dạng mỡ trong giai đoạn mạn tính.
Thuốc hồ (hồ Brocq, hồ nước, hồ tetraped…): tác dụng làm thoáng da nhưng không ngấm sâu bằng thuốc mỡ, làm giảm viêm, giảm sung huyết, chống ngưng tụ huyết, làm khô da, dùng cho thương tổn ở giai đoạn bán cấp.
Thuốc bột (bột talc…): có tác dụng làm dịu da, giảm viêm và khô da.
Dung dịch (Jarish, Lugol, Milian, Caslellani…): hoạt chất thường là các dung môi lỏng hoặc hoà tan trong nước. Có loại dung dịch trong nước và trong cồn. Dạng thuốc này có tác dụng nhất thời dùng trong giai đoạn cấp tính. Các dung dịch màu nên bôi vào buổi chiều tối, tránh nắng. Bởi vì, các hoạt chất màu dễ mẫn cảm với ánh sáng để trở thành chất cảm quang gây viêm da do ánh sáng.
Dạng gel (Metrogylgel, Erythrogel) dễ sử dụng, bôi nhanh khô tạo cảm giác dễ chịu.
Corticoids bôi ngoài da: Có rất nhiều chế phẩm chứa hoạt chất corticoid được sử dụng điều trị bệnh ngoài da.
Chỉ định corticoid bôi ngoài da phải dựa vào chẩn đoán, vị trí thương tổn, sự đáp ứng của bệnh da với thuốc và phải tuân thủ một số nguyên tắc chung: không lạm dụng chỉ định; dùng liều giảm dần, không dùng kéo dài. Khi dùng corticoid kéo dài sẽ xảy ra các tác dụng không mong muốn như: giãn mạch, đỏ da, nhiễm trùng, teo da, mọc lông. Đặc biệt dùng corticoid bôi vào những vùng da mỡ (mặt, lưng, ngực) gây mọc mụn trứng cá, viêm nang lông. Một số tác giả khuyến cáo nên hạn chế tối đa dùng corticoid tại chỗ vào vùng da mỡ. Đối với những vùng da này chỉ sử dụng thuốc bôi có corticoid khi thật sự cần thiết, nên dùng loại có tác dụng vừa và nhẹ, trong thời gian ngắn.
Chỉ định corticoid toàn thân điều trị bệnh da cần phải cân nhắc kỹ lợi/hại trước khi chỉ định và phải tính toán liều lượng sử dụng ban đầu thấp nhất có hiệu quả để có thể rút ngắn được quá trình giảm liều và ngừng thuốc, tránh tình trạng phụ thuộc thuốc. Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh, khi thuốc có tác dụng, bệnh giảm thì bắt đầu hạ liều từ từ. Không nên lạm dụng trong chỉ định, đặc biệt là sử dụng kéo dài corticoid bằng đường toàn thân sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc.
Kháng histamin
Có các loại bôi tại chỗ, uống, tiêm. Các kháng histamin được sử dụng chống ngứa, chống dị ứng cho nhiều bệnh da. Hiện nay có 3 thế hệ kháng histamin H1 đang được sử dụng.
Kháng H1 thế hệ I có khả năng tan trong mỡ, xâm nhập được qua hàng rào máu não gây ức chế thần kinh trung ương nên có tác dụng an thần và buồn ngủ. Tác dụng không mong muốn gây mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, giảm trí nhớ, ngủ gật, lú lẫn hoặc kích động ở người cao tuổi, khô mắt, khô miệng táo bón, keo dịch tiết phế quản, nhịp tim nhanh, rối loạn vận động, bí đái. Chống chỉ định trong những trường hợp glocom góc đóng, bí đái rối loạn niệu đạo, phụ nữ có thai và cho con bú, sơ sinh…, tương tác với rượi gây tăng tác dụng an thần. Kháng H1 thế hệ I có nhiều loại như: chlopheniramin, hydroxyzin, promethazin, Brompheniramin, Diphenhydramin... Chỉ định kháng H1 thế hệ I điều trị các bệnh da dị ứng, ngứa và nên dùng vào buổi tối.
Kháng H1 thế hệ II và thế hệ III ít gây buồn ngủ. Các loại thuốc thế hệ II gồm: cetirizin, loratadin, acrivastin…; thế hệ III có: fexofenadin (Telfast), levocetirizin, desloratadin.
Cần sử dụng kháng histamin một cách hợp lý, chỉ định, phối hợp thuốc đúng sẽ đem lại hiệu quả cao trong điều trị các bệnh ngoài da.
Những lưu ý khi sử dụng kháng H1: đối với phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em và những bệnh nhân có các bệnh khác kèm theo thì cần phải cân nhắc lựa chọn loại kháng histamin tác động trên thụ thể H1 phù hợp với lứa tuổi, thời gian mang thai, tác dụng không mong muốn. Phải cân nhắc lợi/hại để hạn chế và tránh những tác dụng có hại có thể xảy ra cho bệnh nhân và thai nhi.
Các kháng histamin thường tương tác với rượu gây tăng tác dụng an thần. Cho nên khi sử dụng kháng histamin bệnh nhân không được uống rượu.
Thuốc chống nấm được chia làm 2 loại dùng tại chỗ và dùng đường toàn thân.
Thuốc chống nấm dùng toàn thân để điều trị các trường hợp nhiễm nấm sâu hoặc nhiễm nấm da lan tỏa, gồm các loại: thuốc chống nấm gốc azol (các dẫn chất của imidazol và triazol), griseofulvin, nystatin, amphotericin B.
Thuốc chống nấm tại chỗ (thuốc bôi) thường dùng cho những trường hợp nhiễm nấm nông khu trú ở da và niêm mạc như: hắc lào, lang ben, trứng tóc, tưa miệng...
Khi sử dụng các thuốc chống nấm đường toàn thân cần lưu ý tương tác của thuốc. Ví dụ: dùng các dẫn chất của imidazol thì không nên phối hợp với các thuốc kháng histamin H1 thế hệ II và III, các kháng sinh như rifampicin, isoniazid, bệnh nhân không nên uống rượu.
Thuốc y học cổ truyền
Có nhiều bài thuốc y học cổ truyền dùng điều trị một số bệnh da có hiệu quả. Tuy nhiên, có một số loại thuốc, bài thuốc đông dược, nam dược được truyền miệng, được đồn thổi tác dụng trong nhân dân. Những thuốc này thường không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần và chưa được đánh giá hiệu quả điều trị. Một số thầy lang đã áp dụng hoặc người bệnh tự động sử dụng các thuốc này điều trị bệnh ngoài da. Nhiều trường hợp đã làm bệnh nặng thêm hoặc gây những biến chứng nguy hiểm. Ví dụ: gây vảy nến thể mủ toàn thân hay gây đỏ da toàn thân ở bệnh nhân vảy nến thể thông thường, gây viêm da tiếp xúc kích ứng… Những trường hợp này điều trị rất khó khăn và tốn kém.
Tóm lại bệnh da rất đa dạng, thuốc và các phương pháp điều trị bệnh da cũng rất phong phú. Vấn đề đặt ra là sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị như thế nào để bệnh chóng khỏi hoặc kiểm soát được các bệnh mạn tính nhằm kéo dài thời gian ổn định. Khi bị bệnh da, người bệnh cần đến thầy thuốc khám đề  được chẩn đoán chính xác. Thuốc sử dụng điều trị phải phù hợp với từng loại bệnh và phù hợp với giai đoạn tiến triển của bệnh; phải cân nhắc hiệu quả và sự an toàn của các loại thuốc cho từng đối tượng, chú ý đến tương tác của thuốc. Người bệnh phải tuân thủ những chỉ định điều trị của thày thuốc, phối hợp chặt chẽ và thường xuyên thông báo cho thày thuốc những diễn biến của bệnh trong quá trình điều trị để thày thuốc có những điều chỉnh và tư vấn kịp thời.
TS. Trần Văn Tiến