nhathuoctot.com
Răng khôn là răng hàm cuối cùng của mỗi bên hàm. Răng khôn thường mọc lệch và gây ra nhiều biến chứng vì khi đó các răng đã mọc hoàn thiện và xương hàm đã cứng nên không đủ chỗ cho răng khôn mọc lên bình thường. Vậy khi nào cần nhổ răng khôn và khi nào nên bảo tồn?
Răng khôn và những biến chứng
Viêm nướu: Sự tích tụ mảng bám thức ăn ở răng khôn sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm xung quanh nướu. Người bệnh thấy đau nhức, cứng hàm, sưng tấy và hôi miệng. Viêm nướu nếu không chữa trị hoặc điều trị không triệt để sẽ tái đi tái lại nhiều lần và càng ở những lần sau thì mức độ nguy hiểm càng tăng.
Sâu răng: Răng khôn là răng mọc trong cùng trên cung hàm nên rất khó để vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt khi răng khôn mọc lệch hay mọc 1 phần. Do sự tích tụ mảng bám lâu ngày sẽ gây ra sâu răng và nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ rất đau, nhiễm trùng.
Răng chen chúc: Do mọc cuối cùng, thiếu chỗ trên cung hàm nên răng khôn thường mọc lệch và đẩy các răng về phía trước gây ra tình trạng răng chen chúc.
Huỷ hoại xương và răng xung quanh: Khi răng khôn mọc lệch đâm sang răng số 7, là răng đóng vai trò quan trọng trong việc ăn nhai thì sẽ làm răng này bị lung lay, tiêu huỷ, sâu răng và thậm chí là mất răng. Triệu chứng sớm của việc mọc lệch này là những cơn đau âm ỉ ở khu vực đó. Trong một số trường hợp biến chứng của răng khôn không được xử trí kịp thời sẽ gây nhiễm trùng lây lan sang những khu vực xung quanh, nhiều khi ảnh hưởng đến tính mạng.
Răng khôn nên nhổ khi nào?
Cần nhổ răng khôn khi việc mọc răng gây ra các biến chứng đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, u nang, ảnh hưởng đến răng lân cận. Khi răng khôn chưa gây ra biến chứng, nhưng giữa răng khôn và răng bên cạnh có khe giắt thức ăn, có thể sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh thì cũng có chỉ định nhổ răng khôn để ngăn ngừa biến chứng.
Khi răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu nhưng không có răng đối diện ăn khớp, làm răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện, tạo bậc thang giữa răng khôn và răng bên cạnh, gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm đối diện.
Răng khôn cần nhổ khi gây ra những biến chứng, ảnh hưởng đến răng bên cạnh... Ảnh: TL
Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu, nhưng hình dạng răng khôn bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, lâu ngày gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh thì cũng có chỉ định nhổ.
Bản thân răng khôn có bệnh nha chu hoặc sâu răng lan rộng. Hoặc bệnh nhân muốn nhổ răng khôn để chỉnh hình, làm răng giả, hoặc răng khôn là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác cũng nên được nhổ bỏ.
Bảo tồn khi nào?
Không phải tất cả răng khôn đều cần phải nhổ. Một chiếc răng khôn mọc thẳng, bình thường, không bị kẹt bởi mô xương và nướu, không gây biến chứng, thì có thể được giữ lại với điều kiện bệnh nhân cần dùng chỉ tơ nha khoa và bàn chải để làm sạch một cách triệt để.
Bệnh nhân mắc một số bệnh lý mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, rối loạn đông cầm máu… Hoặc răng khôn liên quan trực tiếp đến một số các cấu trúc giải phẫu quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh… mà không thể sử dụng các phương pháp phẫu thuật chuyên biệt để thực hiện cũng sẽ không được chỉ định nhổ.
Dinh dưỡng sau nhổ răng
Nhổ răng có thể tiến hành vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên tốt nhất nên nhổ vào đầu giờ sáng sau khi ăn no hoặc đầu giờ chiều để tiện theo dõi sự chảy máu sau nhổ. Tối hôm trước nhổ răng bệnh nhân nên ngủ sớm và tránh dùng đồ uống có cồn.
Trước khi nhổ răng bệnh nhân nên uống vài ly sữa đậu nành vì chất Lecithin trong đậu nành sẽ góp phần hạn chế chảy máu và mau lành vết thương.
Một vài ly sữa đậu nành trước và sau khi nhổ răng sẽ giúp hạn chế chảy máu.
Sau nhổ răng, nếu có thể nên uống một cốc nước ép dâu tây vì trong đó có hoạt chất trợ lực cho thuốc giảm đau tác dụng tương tự Aspirin. Sau đó nên tiếp tục uống vài ly sữa đậu nành. Sữa chua cũng giúp tăng tác động của thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn nhờ acid obacillus, tuy nhiên không nên ăn quá lạnh. Ngoài ra, bệnh nhân nên ăn nhiều hoa quả tươi để bổ sung các vitamin sẽ giúp tăng cường sức khỏe và mau chóng hồi phục sau nhổ răng.
Trong vài ngày đầu sau nhổ răng nên ăn đồ mềm và dễ tiêu hóa để xương hàm không phải làm việc nhiều. Tránh ăn đồ ngọt, chua, cay, đồ uống có ga, cồn và các chất kích thích khác.
BS Đinh Quý