Thông tin & Sự kiện

Phòng tiêu chảy

Ngày 01/04/2015 21:06

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ không được bú sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng không tốt, điều kiện vệ sinh, chăm sóc kém,… Trẻ càng nhỏ, càng có nguy cơ bệnh nặng và kéo dài, dẫn đến trẻ bị mất nước, suy dinh dưỡng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên việc phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ không khó. Để giảm thiểu nguy cơ mắc tiêu chảy, các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần chú ý thực hiện các biện pháp sau.

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ không được bú sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng không tốt, điều kiện vệ sinh, chăm sóc kém,… Trẻ càng nhỏ, càng có nguy cơ bệnh nặng và kéo dài, dẫn đến trẻ bị mất nước, suy dinh dưỡng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên việc phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ không khó. Để giảm thiểu nguy cơ mắc tiêu chảy, các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần chú ý thực hiện các biện pháp sau.

Nuôi con bằng sữa mẹ
Trong 6 tháng đầu đời, trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn, có nghĩa là một đứa trẻ khoẻ mạnh cần được bú sữa mẹ và không phải ăn hoặc uống thêm thứ gì khác như nước, các loại nước chè, nước hoa quả, nước cháo, sữa động vật hoặc thức ăn nhân tạo… Trẻ được bú mẹ hoàn toàn sẽ ít mắc bệnh tiêu chảy và tỉ lệ tử vong thấp hơn so với trẻ không được bú mẹ hoặc không được bú mẹ hoàn toàn. Bú mẹ cũng làm giảm nguy cơ dị ứng sớm, đồng thời cũng tăng sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng, làm giảm các đợt nhiễm trùng khác. Nên cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt ngay sau sinh và kéo dài đến khi trẻ được 2 tuổi.

 

Cải thiện nuôi dưỡng bằng thức ăn bổ sung (ăn sam)

 

Thức ăn bổ sung nên cho ăn khi trẻ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, có thể cho trẻ ăn thức ăn bổ sung vào bất cứ thời gian nào sau 4 tháng tuổi nếu trẻ phát triển kém. Thực hành ăn sam tốt bao gồm lựa chọn thức ăn giàu dinh dưỡng và chế biến hợp vệ sinh. Lựa chọn thức ăn bổ sung dựa vào chế độ ăn và thực phẩm an toàn sẵn có tại địa phương. Cùng với sữa mẹ hoặc sữa khác, phải cho trẻ ăn thức ăn nghiền nhỏ và bổ sung thêm trứng, thịt, cá và hoa quả. Những thức ăn khác phải nấu nhừ, có rau và cho thêm dầu ăn (5 - 10ml/bữa).
Sử dụng nước an toàn
Có thể giảm nguy cơ tiêu chảy bằng sử dụng nước sạch. Gia đình cần: Chọn nguồn nước sạch nhất có thể; Không được tắm, giặt và đại tiện gần nguồn nước; Xây hố xí cách nguồn nước ít nhất 10 mét ở phía đất thấp hơn; Không cho động vật đến gần nguồn nước; Chứa nước trong chum, vại được rửa sạch hằng ngày, có nắp đậy; Không để người và động vật uống nước trực tiếp ở chum vại. Dùng gáo cán dài để múc nước, không chạm tay vào nước; Nếu sẵn chất đốt thì sử dụng nước đã đun sôi cho trẻ uống và chế biến thức ăn. Nước chỉ cần đun sôi chứ không cần đun sôi kéo dài tốn chất đốt.
 Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ.Ảnh: TL
Khối lượng và chất lượng nước dự trữ trong gia đình có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy. Nếu có thể thì để một lượng nước lớn sử dụng cho vệ sinh, còn nguồn nước sạch nhất thì chứa riêng dùng để uống và chế biến thức ăn.
Rửa tay thường quy
Tất cả các nguyên nhân gây tiêu chảy được truyền bằng tay khi bị nhiễm bẩn phân. Tất cả thành viên trong gia đình cần phải rửa tay thật kỹ sau khi đi ngoài, sau khi vệ sinh cho trẻ đi ngoài, sau khi dọn phân cho trẻ, trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn. Rửa tay sạch đòi hỏi phải sử dụng xà phòng hoặc chất thay thế sẵn có trong vùng như tro, có đủ nước để rửa tay thật kỹ.

 

 Thực hành chế độ ăn cho trẻ hợp lý và đầy đủ dinh dưỡng. Ảnh: T. Thủy
Sử dụng thực phẩm an toàn

 

Thực phẩm dễ nhiễm các tác nhân gây tiêu chảy trong tất cả các khâu từ sản xuất đến chế biến thức ăn bao gồm: nuôi trồng có sử dụng phân tươi, mua bán nơi công cộng (chợ), chế biến thức ăn tại nhà hoặc quán ăn và bảo quản thức ăn sau chế biến. Do đó cần thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm cá khi chế biến và sử dụng thực phẩm: Không ăn thực phẩm sống, trừ những rau quả đã bóc vỏ và phải ăn ngay; Rửa tay kỹ với xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn hoặc ăn; Nấu kỹ thức ăn; Ăn thức ăn nóng hoặc hâm lại kỹ trước khi ăn; Bảo quản thức ăn đã chế biến vào dụng cụ sạch riêng biệt để tránh nhiễm bẩn; Sử dụng lồng bàn để tránh ruồi…
Sử dụng hố xí và xử lý phân an toàn
Môi trường mất vệ sinh làm lan rộng các tác nhân gây tiêu chảy. Những tác nhân này được bài tiết từ phân làm lây nhiễm cho người và động vật, Xử lý phân đúng hạn chế lây nhiễm. Phân làm nhiễm bẩn nguồn nước nơi trẻ chơi, nơi bà mẹ giặt quần áo và lấy nước dùng cho gia đình. Các gia đình cần quan tâm đến chất lượng và vệ sinh của hố xí. Nếu hố xí không đạt tiêu chuẩn thì phải đại tiện vào hố và chôn phân ngay sau khi đại tiện. Phân của trẻ em thường chứa các tác nhân gây tiêu chảy, phải thu dọn, đổ vào hố xí hoặc chôn ngay sau khi đi ra ngoài.
Phòng bệnh bằng vắc - xin
Phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin theo lịch tiêm chủng mở rộng. Tiêm phòng sởi có thể giảm tỷ lệ mắc và mức độ trầm trọng của tiêu chảy. Tất cả trẻ em cần tiêm phòng sởi ở độ tuổi khuyến nghị. Hiện nay, có nhiều dạng chế phẩm vắc - xin phòng rotavirut, liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Chương trình tiêm chủng  mở rộng quốc gia. Vắc - xin rotavirut đã triển khai ở các nước phát triển cho thấy hiệu quả phòng ngừa tiêu chảy do rotavirut rất tốt. Vắc - xin tả uống cho những vùng có nguy cơ dịch theo chỉ đạo của cơ quan y tế dự phòng. Vắc - xin  thương hàn được chỉ định trong vùng có dịch theo khuyến cáo của Chương trình tiêm chủng mở rộng.                                                
Việt An (Theo tài liệu của Bệnh viện Nhi TW)