Bệnh nhân là bà Mua Thị Dợ, 52 tuổi, trú tại xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc. Khoảng 3 năm trước, bà Dợ thấy bụng to cứ tưởng mình mang thai nhưng chờ mãi không thấy sinh. Thời gian gần đây, bụng bà càng ngày càng to, xuất hiện đau âm ỉ liên tục, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Gia đình lo lắng đã đưa bà đến Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn để khám.
Tại đây, các bác sĩ đã khám, làm các xét nghiệm, siêu âm và chẩn đoán bệnh nhân bị u nang buồng trứng, ước tính khối u trong ổ bụng bệnh nhân tương đương với người mang thai khoảng 9 tháng. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật. Ca phẫu thuật khối của bệnh nhân Mua Thị Dợ đã thực hiện thành công, các bác sĩ đã cắt bỏ khối u nang buồng trứng có trọng lượng 6kg. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bà Dợ tiến triển tốt.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, u nang buồng trứng là bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phần lớn là u lành tính, nhưng có một tỷ lệ nhỏ có biến chứng ung thư hóa. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến biến chứng: xoắn u gây đau quặn bụng cấp tính, vỡ u, chèn ép gây rối loạn tiêu hoá, đường tiết niệu, dẫn tới suy thận, khó khăn trong quá trình thụ thai. Nếu phụ nữ mang thai bị u nang buồng trứng thì có thể gây sảy thai, xuất huyết âm đạo, sinh non,…
U nang buồng trứng được chia làm 2 loại là u cơ năng và u thực thể. U cơ năng thường do rối loạn chức năng của buồng trứng gây ra, nó có thể tự mất đi sau một thời gian mà không cần bất cứ phương pháp điều trị nào. Đối với những khối u nang buồng trứng thực thể thì phương pháp điều trị thường là phẫu thuật sớm để phòng ngừa biến chứng. Tùy theo kích thước và tính chất khối u mà có các phương pháp: bóc tách và cắt bỏ khối u, thậm chí có thể phải cắt bỏ toàn bộ khối u và buồng trứng bên bệnh…
U nang buồng trứng thường phát triển âm thầm, triệu chứng không rõ ràng nên khó nhận biết. Thông thường, chị em biết mình mắc bệnh khi đi khám phụ khoa định kỳ hoặc siêu âm bụng. Tuy nhiên nếu xuất hiện các biểu hiện sau đây cũng có thể là dấu hiệu của u nang buồng trứng như: đau âm ỉ vùng bụng dưới, bụng hơi to, ấn vào bụng cảm thấy căng tức, khó chịu nhất là gần khu vực xương chậu, rối loạn kinh nguyệt, xuất huyết âm đạo bất thường,... Để phát hiện sớm u nang buồng trứng, chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa và siêu âm định kỳ 6 tháng/lần hoặc ít nhất 1 năm/lần. Cần đi khám ngay khi có biểu hiện nghi ngờ để điều trị kịp thời tránh để quá lâu, khối u phát triển to gây biến chứng như trường hợp của bệnh nhân Mua Thị Dợ.
Vân Anh