Không ít thai phụ nhiễm viêm gan B mà không biết, chỉ đến khi có các dấu hiệu bệnh nặng lên mới đi khám và phát hiện bệnh thì thai đã được vài tháng tuổi.
BSCC. Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, cũng giống như những người bình thường, ở thai phụ nhiễm viêm gan virus B bệnh thường diễn biến âm thầm và không có dấu hiệu gì đặc biệt. Rất nhiều người thậm chí chưa bao giờ làm xét nghiệm để xác định xem mình có nhiễm viêm gan B hay không. Chỉ đến khi chị em có các dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu vàng, vàng sẫm, mắt vàng, sốt nhẹ... thì mới đi khám. Lúc này mới tá hỏa tình trạng viêm gan virus đã khá nặng và phải nhập viện điều trị.
Trong khi đó với phụ nữ viêm gan B, C nếu được phát hiện sớm sẽ được cảnh báo thận trọng khi có thai và hẹn khám định kỳ chức năng gan, xử lý sớm sẽ tốt hơn.
“Nếu trong giai đoạn đang chữa bệnh và uống thuốc diệt virus viêm gan B, bệnh nhân mong muốn có thai thì nên báo trước cho bác sĩ biết để được tư vấn vào thời điểm nào có thai là tốt nhất. Lúc đó, các bác sĩ sẽ cho tạm dừng thuốc điều trị trong vòng 6 tháng. Thêm nữa, bác sĩ sẽ tư vấn trong giai đoạn thai kỳ nào thì có thể tiếp tục điều trị được nhằm khống chế thấp nồng độ virus”- BS. Tuấn khuyến cáo.
Hơn nữa, thai phụ ngoài đi khám sản khoa thì việc tái khám thường xuyên, kiểm tra chức năng gan định kỳ cũng giúp bác sĩ kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường để kịp thời điều trị, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng (suy gan không biết) sẽ nguy hiểm cho mẹ và bé.
BS. Tuấn cho biết thêm, thông thường, nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con là rất lớn, nhưng nguy cơ này giảm đi khi bà mẹ được điều trị trước thời gian mang thai (khi tải lượng virus đến ngưỡng phải điều trị) hạ thấp tải lượng virus và điều trị tiếp trong thời gian mang thai. Sau đó, khi sinh con em bé cần được tiêm ngay huyết thanh và vắc xin ngừa viêm gan B ngay trong 24 giờ đầu sau sinh thì nguy cơ lây nhiễm gần như là không còn. Ở giai đoạn cuối thai kỳ, thai phụ cũng sẽ được uống thuốc tránh lây truyền từ mẹ sang con, nồng độ virus thấp thì khả năng lây truyền cũng giảm đi.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên đi xét nghiệm kiểm tra để biết mình có nhiễm viêm gian virus hay không, thông thường các xét nghiệm này chi phí không quá cao (khoảng từ vài chục đến một trăm nghìn) để được tư vấn điều trị. Bởi các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính các triệu chứng thường không điển hình, rất nhiều bệnh nhân không có các triệu chứng lâm sàng và thường phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn như xơ gan nặng và ung thư tế bào gan.
Tư vấn cho người dân tại phòng khám tư vấn viêm gan BV Bạch Mai.
Tuy là bệnh lý nguy hiểm với tỉ lệ dẫn đến xơ gan, ung thư gan cao nhưng viêm gan vi rút B lại hoàn toàn có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin. Vì thế, với trẻ em cần tiêm ngừa vắc xin viêm gan B theo đúng lịch. Với người lớn nếu chưa tiêm vắc xin ngừa viêm gan B thì nên tiêm ngừa bởi tiêm vắc xin là cách phòng ngừa hiệu quả nhất ung thư gan do viêm gan vi rút.
Tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh
Khả năng lây nhiễm viêm gan B cao hơn HIV từ 50 đến 100 lần, chủ yếu qua qua đường máu, sinh hoạt tình dục, nguy cơ khi dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo với người bệnh. Phương thức lây nhiễm phổ biến nhất là lây nhiễm trong khi sinh: trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10% - 90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B, đặc biệt trong trường hợp mẹ có xét nghiệm HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm virus viêm gan B. 90% số trẻ bị nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm virus viêm gan B mãn tính và hậu quả lâu dài là dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Bộ Y tế khuyến cáo cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B và phòng ung thư gan là tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh, tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là “thời gian vàng” để phòng bệnh.
Dương Hải