Thông tin & Sự kiện

Màng trinh bị bịt kín gây ảnh hưởng gì?

Ngày 03/12/2015 10:13

nhathuoctot.com

SKĐS - Màng trinh bị bịt kín sẽ khiến máu kinh không thoát ra được, tích tụ dần trong âm đạo, gây chướng bụng, đau bụng hoặc viêm nhiễm, ảnh hưởng đến kinh nguyệt và sức khoẻ sinh sản.

Màng trinh bịt kín là gì?

Màng trinh là một màng chắn ở âm đạo người nữ, cách cửa âm đạo 1cm. Tùy cơ thể mỗi người, có người màng mỏng, màng dày, có người không có màng trinh. Thông thường, màng trinh có lỗ để máu kinh thoát ra ngoài, có màng có 1 lỗ to hoặc màng có nhiều lỗ nhỏ.

Màng trinh bịt kín là  màng không có lỗ hoặc là một vách chắn ngang âm đạo khiến máu kinh không thoát ra được mà tích dần lại trong âm đạo hoặc tử cung, hình thành túi máu âm đạo. Đôi khi túi này có khối lượng rất lớn, đẩy bàng quang về phía trước, trực tràng về phía sau và tử cung lên phía trên.

Hiện tượng máu kinh không thoát ra được, tích tụ lại do màng trinh bịt kín thường gây đau bụng dưới, đầu tiên chỉ giới hạn trong thời kỳ hành kinh, về sau đau thường xuyên hơn, đau tức bụng dưới từng cơn với cảm giác như có vật gì muốn đẩy ra ngoài.

Lượng máu thừa tích tụ lâu ngày sẽ gây mất cân bằng môi trường âm đạo, dẫn đến viêm nhiễm âm đạo, viêm nhiễm vòi trứng, thậm chí có thể phát triển thành khối u, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Khi nào cần đi khám?

Dấu hiệu nhận biết sớm hiện tượng này là khi trẻ gái bước vào giai đoạn dậy thì đã có dấu hiệu thay đổi của giới tính mà chưa thấy có kinh nguyệt. Ngoài ra trẻ thường bị đau bụng âm ỉ, căng tức bụng, đi tiểu lắt nhắt... Một số trẻ giai đoạn sau sẽ có bụng trướng to vùng hạ vị gây cảm giác như trẻ bị béo bụng.

Tại cơ sở y tế, dựa trên các triệu chứng các bác sĩ sẽ tiến hành khám bộ phận sinh dục, siêu âm để chẩn đoán chính xác. Thường khi khám âm hộ sẽ thấy màng trinh phồng lên do có khối máu tích, hình ảnh siêu âm cho thấy có nhiều dịch giống máu ứ trong lòng tử cung và âm đạo. Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật đơn giản trích rạch mở lỗ màng trinh, để lỗ màng trinh có kích cỡ như bình thường, máu dịch ứ đọng thoát ra được, người bệnh sẽ có kinh nguyệt bình thường.

Do đó, từ giai đoạn dậy thì, cha mẹ cần quan tâm tới các biểu hiện sinh lý ở trẻ, nếu có biểu hiện nghi ngờ màng trinh bị bịt kín cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và tư vấn điều trị thích hợp.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa