Trong nước mía có chứa nhiều can-xi, crôm, cô-ban, đồng, ma-giê, man-gan, phốt-pho, kali và kẽm. Ngoài ra, nước mía còn cung cấp sắt và vitamin A, C, B1, B2, B3, B5, B6 cùng với khá nhiều các phytonutrient, chất chống ô-xy hóa, protein và chất xơ hòa tan. Các chất dinh dưỡng này sẽ giúp bạn giữ gìn sức khỏe và vóc dáng. Sau đây là những lợi ích cho sức khỏe từ nước mía.
1. Chống mệt mỏi
Nước mía được ưa chuộng trong thời tiết nóng nực của mùa hè, vì chúng cung cấp ngay nguồn năng lượng và giải tỏa cơn khát. Lượng đường glucose dồi dào trong nước mía giúp bổ sung nước, cung cấp năng lượng để cơ thể bớt mệt mỏi trước sự tấn công của nắng nóng. Do đó, thay vì uống nước tăng lực, bạn nên chọn nước mía.
2. Ngăn chặn sự phát triển của bệnh tiểu đường
Mặc dù có vị ngọt do lượng đường cao, nhưng nước mía lại có ích cho những người bị tiểu đường bởi vì chúng chứa lượng đường tự nhiên có chỉ số Glycemic thấp (chỉ số phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết của thực phẩm). Nhờ đó, góp phần ngăn chặn sự gia tăng quá nhanh của mức glucose trong máu. Tuy nhiên, người bị tiểu đường típ 2 chỉ nên uống nước mía ở mức vừa phải, sau khi đã hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.
3. Ngăn ngừa ung thư
Nước mía là thực phẩm có tính kiềm do chứa hàm lượng các khoáng chất như can-xi, ma-giê, kali, sắt và man-gan cao. Những căn bệnh như ung thư không thể phát triển trong môi trường có tính kiềm. Đây cũng chính là lý do giải thích tại sao các kết quả nghiên cứu đều cho thấy thức uống này có tác dụng ngăn ngừa ung thư hiệu quả, đặc biệt là bệnh ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.
4. Bảo vệ thận
Nhờ khả năng làm tăng mức protein trong cơ thể, nước mía rất tốt cho thận. Chỉ cần hòa nước mía với nước dừa và một ít nước chanh thì bạn đã có thức uống với công dụng lợi tiểu, làm giảm cảm giác bỏng rát khi đi tiểu. Đây là triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường niệu, các bệnh lây qua đường tình dục, sỏi thận.
5. Giải độc gan
Hàm lượng các chất chống ô-xy hóa trong nước mía giúp đánh bại các bệnh viêm nhiễm và tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Chúng còn bảo vệ gan khỏi bị viêm và góp phần kiểm soát mức sắc tố da cam. Do vậy, các bác sĩ luôn khuyến khích những người bị vàng da uống nhiều nước mía, vì đây là một trong số ít các loại đồ uống dễ tiêu hóa mà không gây quá nhiều áp lực cho gan trong việc loại thải độc tố.
6. Hỗ trợ tiêu hóa
Sự hiện diện của kali trong nước mía giúp hệ tiêu hóa luôn hoạt động tốt, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm ở dạ dày và được xem như một loại thuốc chữa trị táo bón hiệu nghiệm.
7. Chống sâu răng
Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy nước mía có công dụng phòng chống sâu răng và hạn chế tình trạng hôi miệng do chứa hàm lượng khoáng chất cao.
8. Móng tay chắc, khỏe
Nếu móng giòn và dễ gãy, đồng thời xuất hiện các nốt trắng trên móng, đây chính là lúc bạn cần uống nước mía nhiều hơn. Nước mía có chứa nhiều khoáng chất giúp mang lại độ sáng bóng cho móng tay mà không cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của các loại nước sơn móng tay vốn chứa khá nhiều hóa chất độc hại.
9. Giúp cơ thể phục hồi nhanh sau sốt
Nước mía được xem là lựa chọn lý tưởng cho những người đang bị sốt. Trong quá trình sốt, cơ thể sẽ bị mất rất nhiều protein. Đây là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nước mía sẽ bù đắp lượng protein đã mất, giúp cơ thể nhanh hồi phục sau cơn sốt.
10. Ngừa mụn, đẹp da
Các loại a-xít alpha hydroxy (hay còn gọi là AHA) là dưỡng chất mang lại rất nhiều lợi ích cho da, giúp duy trì một làn da khỏe đẹp. Chúng có công dụng ngăn ngừa mụn, làm giảm các nốt mụn sưng tấy, ngăn ngừa lão hóa, dưỡng ẩm cho da. Hãy thoa nước mía trên da rồi để khô hoặc hòa chúng vào các loại mặt nạ dưỡng da, kem tẩy tế bào chết mà bạn yêu thích và đắp lên mặt để làn da mịn màng và rạng rỡ hơn.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cần chú ý đến vấn đề vệ sinh trong quá trình chế biến nước mía. Ngoài ra, nên uống nước mía trong vòng 15 phút sau khi ép vì nếu để lâu, quá trình ô-xy hóa sẽ làm giảm sút hàm lượng dưỡng chất có trong thức uống này.
Theo Phunuonline.com.vn