Thông tin & Sự kiện

Liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Gánh nặng ung thư từ thực phẩm “bẩn”

Ngày 19/11/2015 14:55

nhathuoctot.com

SKĐS - Ngày 16/11, các lực lượng thanh tra chuyên ngành - Bộ NN&PTNT và Cục cảnh sát PCTP về môi trường (C49) - Bộ Công an đã tiến hành niêm phong...

Ngày 16/11, các lực lượng thanh tra chuyên ngành - Bộ NN&PTNT và Cục cảnh sát PCTP về môi trường (C49) - Bộ Công an đã tiến hành niêm phong hàng tấn hàng hóa là sản phẩm thức ăn chăn nuôi (TACN) vi phạm pháp luật phát hiện, chứa chất tạo nạc Salbutamol và chất vàng ô tại Hải Dương và Hưng Yên. Những chất này gây tồn dư trong cơ thể, không thể đào thải và có khả năng gây ung thư rất cao.

Hàng ngàn tấn TACN độc hại tuồn ra thị trường

Tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú tại Km50, thành phố Hải Dương, lực lượng chức năng phát hiện 2 thùng vàng ô và một thùng có Auramine - nhóm hoạt chất tạo màu công nghiệp dùng cho giấy và ve tường - cấm dùng cho thực phẩm và TACN. Mỗi thùng chứa được 30kg. Hai thùng đã được công ty sử dụng gần hết, chỉ còn 14kg đang trộn vào TACN để mang ra thị trường. Ngoài ra còn ba bao nguyên liệu tinh đã được phối trộn có chất vàng ô. Kiểm tra hóa đơn của công ty cho thấy 2 trong 3 bao này được mua ở Hàng Buồm với mức giá dao động từ 120-170.000đ/kg và được phối trộn với tỷ lệ 2 lạng vàng ô cho 1 tấn TACN.

Liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Gánh nặng ung thư từ thực phẩm “bẩn”

11 thùng hóa chất tại Công ty Việt Nhật Hưng Yên bị niêm phong.

Tiếp tục lấy 3 mẫu TACN tại cơ sở và 5 mẫu của công ty tại đại lý ở Sơn Tây (Hà Nội), cho thấy 7/8 mẫu dương tính với chất tạo nạc Salbutamol - một hoạt chất có khả năng gây ung thư - với hàm lượng cao nhất đạt 3703ppb - gấp 75 lần mức cho phép. Cá biệt 5/5 mẫu lấy tại các đại lý ở Sơn Tây (Hà Nội) đều cho kết quả dương tính với loại chất độc này với hàm lượng cao nhất 1171ppb - gấp 25 lần mức cho phép. Cơ quan chức năng đã tiến hành niêm phong toàn bộ số hàng hóa vi phạm, tạm đình chỉ sản xuất 1 tháng, đề xuất phạt 280 triệu đồng cho cả 2 hành vi sử dụng Salbutamol và vàng ô, đồng thời yêu cầu truy thu, tiêu hủy toàn bộ số hàng đã bán ra thị trường.

Công ty này do ông Đoàn Văn Thênh làm giám đốc, hoạt động từ tháng 6/2015, công suất khoảng 200 tấn TACN/tháng, với 10 đại lý phân phối, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh trung du vùng núi phía Bắc như Sơn Tây (Hà Nội), Bắc Giang, Hải Dương... Điều đáng nói, công ty này hiện không có trụ sở chính, không biển hiệu.

Cũng trong chiều 16/11, trong đợt thanh kiểm tra tình trạng sử dụng chất cấm tại hàng loạt công ty sản xuất TACN, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Cảnh sát PCTP về môi trường, Bộ Công an đã phát hiện 20kg chất vàng ô tại Công ty CP dinh dưỡng Việt Nhật Hưng Yên tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Tiếp tục kiểm tra, phát hiện thêm 11 vỏ thùng rỗng được cho là từng đựng chất này (mỗi thùng chứa được 30kg).

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành - Bộ NN&PTNT, cứ mỗi 200gr Auramine, sẽ trộn được 1 tấn TACN thành phẩm để bán ra thị trường. Như vậy, với 46kg Auramine, cơ sở này đã đưa ra thị trường 230 tấn thức ăn chứa đầy chất kịch độc. Theo nhẩm tính, mỗi thùng chứa 30kg, 10 thùng chứa 300kg chất vàng ô. Như vậy, đã có khoảng 1.700 tấn TACN đầy chất cấm, chất ngoài danh mục cho phép đã được tung ra thị trường, nhồi vào gà, lợn để bán cho người tiêu dùng. Khi ăn thịt các con gia súc, gia cầm này, người tiêu dùng coi như ăn cả chất cấm, vì các chất này không thể đào thải ra ngoài, mà tồn dư trong cơ thể con vật.

Hóa chất độc hại bủa vây người tiêu dùng

Thực trạng trên đã khiến người tiêu dùng thực sự lo ngại về độ an toàn của những thực phẩm sử dụng hàng ngày. Tại Hội thảo quốc gia Phòng chống ung thư lần thứ 17, con số được Hội Phòng chống ung thư công bố mỗi năm Việt Nam có 130.000-160.000 trường hợp bị mắc ung thư. Trong đó có khoảng 85.000-115.000 người tử vong do căn bệnh này. Ung thư đang thực sự là gánh nặng và nỗi sợ hãi của người Việt, hơn 1/3 số ca ung thư có liên quan đến thực phẩm bẩn nhiễm hóa chất độc hại.

Liên tiếp những vụ TACN trộn chất cấm bị phát hiện trong thời gian qua phải chăng chế tài xử phạt của chúng ta chưa đủ mạnh để ngăn chặn khiến số vụ bị phát hiện không hề giảm. Trong khi đó công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này hiện nay vẫn đang còn chồng chéo, khó quy trách nhiệm cụ thể cho bộ, ngành nào. Đòi hỏi các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm minh và áp dụng ở mức hình phạt cao nhất. Bên cạnh đó, cần có sự đấu tranh đồng lòng, tố giác của người dân cùng với cơ quan chức năng may ra mới hy vọng cải thiện được tình hình.

  Trần Lâm