Thông tin & Sự kiện

Làm thế nào để bé không sợ khi đi làm răng?

Ngày 05/08/2016 14:54

nhathuoctot.com

Đây có lẽ là sự băn khoăn, thậm chí là lo lắng của hầu hết các bậc cha mẹ khi những con của mình đã đến tuổi mọc răng - thay răng.

Quá trình này diễn ra trong một thời gian rất dài và cố nhiên các bé sẽ gặp không ít những vấn đề về sức khỏe răng miệng, đơn giản là có những vết đen trên răng, rồi răng bị sâu, bị xiết, bị té gãy răng, rồi răng lung lay, hoặc thậm chí là răng vĩnh viễn đã mọc lên rồi và răng sữa vẫn chưa chịu rụng đi. Trong tất cả những trường hợp đó, lẽ dĩ nhiên là các bé phải đi gặp nha sĩ rồi.

Nhưng hầu hết - nếu như không muốn nói là tất cả - các bé đều rất sợ hãi điều này! Và nỗi sợ của bé trong trường hợp này là hoàn toàn chính đáng, là tâm lý hoàn toàn tự nhiên của các bé. Người lớn khi phải đi làm răng mặc dù đã ý thức được là không đau mà cũng sợ “toát mồ hôi” huống hồ các bé!

Câu chuyện chung của các bậc phụ huynh khi dẫn bé đến phòng khám đều kể rằng: bé rất sợ khi có răng lung lay. Mỗi lần phát hiện thêm chiếc răng nào lung lay con đều giấu nhẹm, mãi đến khi nó rệu rã chỉ còn dính một chút với da con mới dám khai báo. Ba mẹ hết lời khuyên bảo mà con vẫn một mực không chịu đến nha sĩ, nên buộc mẹ phải ra tay giải quyết… bằng chỉ. Phương pháp này vừa mất vệ sinh, lại càng làm cho bé thêm sợ hãi vì phương pháp này nhổ răng… đau thật. Nên nỗi sợ hãi của trẻ càng ngày càng lớn hơn.  Mà hàm răng thì có đến bao nhiêu cái! Nhiều bậc phụ huynh thở dài ngao ngán, lo lắng khi phải “giải quyết” hết hai hàm răng sữa của con em mình…

Vậy phải làm sao để bé yêu thích việc đến phòng nha? Hoặc ít ra là vững tâm hơn khi đến gặp các cô nha sĩ?

Đây sẽ phải là sự phối hợp giữa bác sĩ và phụ huynh.

Thứ nhất là làm quen, tiếp cận với trẻ theo từng độ tuổi. Ở mỗi độ tuổi trẻ sẽ có tâm lý khác nhau. Bác sĩ, y tá phải tiếp cận với trẻ tùy theo từng độ tuổi. Bác sĩ, y tá nên trang bị một số kỹ năng cần thiết để dễ gần gũi trẻ, tạo cho trẻ sự than thiết như bạn bè. Ví dụ bác sĩ, y tá có thể cùng bé sử dụng bong bóng để tạo hình những con thú, đồ vật.

Không bao giờ chào đón trẻ với khẩu trang và găng tay. Áo blouse cũng hạn chế sử dụng. Thậm chí khi đi đã bắt đầu điều trị được chỉ mang khẩu trang và găng tay khi cần thiết.

Trong lần điều trị đầu tiên, ưu tiên thực hiện những thủ thuật đơn giản để trẻ tập làm quen.

Đánh lạc hướng và tạo sự thích thú cho trẻ bởi những hình ảnh, đồ chơi cho trẻ ở ngoài phòng đợi, thậm chí là cả ở phòng điều trị. Gắn màn hình có chiếu phim hoạt hình trên ghế điều trị là một trong những cách hay để tạo sự thích thú cho trẻ.

Điều quan trọng cuối cùng là trong suốt quá trình điều trị phải thật nhẹ nhàng, tuyệt đối không làm đau cho trẻ. Bác sĩ phải rèn luyện được kỹ năng gây tê, nhổ răng không đau.

lam rangĐánh lạc hướng và tạo sự thích thú cho trẻ bởi những hình ảnh, đồ chơi cho trẻ ở ngoài phòng đợi, thậm chí là cả ở phòng điều trị

Ở khía cạnh của phụ huynh, cũng sẽ có rất nhiều cách để giúp động viên tinh thần bé trước khi đi khám nha sĩ. Các bậc cha mẹ hãy kể cho bé nghe những câu chuyện ví dụ như Gấu con bị đau răng, Thỏ con đi khám răng. Một câu chuyện có lẽ rất hay là kể về Bà Tiên Răng. Nội dung kể về một cô bé mỗi lần nhổ răng thường lấy chiếc răng đó gói lại rồi đem giấu dưới gối, đến khuya bé ngủ say có một Bà Tiên răng xuất hiện mang chiếc răng đi và để lại cho bé một món quà rất dễ thương...

Hoặc trong những lần đi khám răng, cha mẹ nên dẫn trẻ đi theo. Cho trẻ ngồi bên quan sát cha mẹ “được” làm răng không đau, không chảy máu… cũng là một cách để trẻ tiếp cận từ từ, để dần vượt qua nỗi ám ảnh của… phòng nha.

Ths.BS. NGUYỄN BÁ LÂN