Thông tin & Sự kiện

Độc tính của rượu và thuốc trị nghiện rượu

Ngày 02/03/2015 12:10

nhathuoctot.com

Tất cả các loại rượu, bia, rượu vang, rượu trắng, rượu “ngoại”... đều chứa cồn (alcol etylic, ethanol) rất độc hại cho cơ thể vì nó có ảnh hưởng đến thể lực, tư duy, trí tuệ, khả năng lao động. Rượu là một chất kích thích mạnh ngang hàng với heroin về mặt độc hại và lệ thuộc.

Rượu hấp thu vào cơ thể

Rượu là một hợp chất hữu cơ, dễ cháy, không màu, có trong thành phần của đồ uống chứa cồn. Trong cách nói dân dã, thông thường nó được nhắc đến một cách đơn giản là rượu. Ethanol có vị nồng giúp người chán ăn được ngon miệng. Khi vào cơ thể qua đường uống, ethanol được màng nhầy miệng và thực quản hấp thu một phần nhỏ, một phần khác được dạ dày và tá tràng hấp thu, phần lớn còn lại xuyên qua ruột non và lan tỏa đến tất cả các bộ phận trong cơ thể.

Độc tính của rượu và thuốc trị nghiện rượu

Rượu độc hại, nhất là đối với gan.

Cùng uống lượng cồn như nhau, nhưng nồng độ cồn trong máu tăng nhanh hơn ở phụ nữ so với nam giới. Cơ thể loại trừ ethanol bằng hai cách:

Một phần nhỏ ethanol được bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, sữa mẹ.

Phần còn lại được biến đổi do ôxy hóa và cho năng lượng. Vì vậy ta hiểu tại sao trong dân gian có kinh nghiệm uống rượu để chống rét, ấm người. Nhưng đây chỉ là một cảm giác ngộ nhận, chỉ có tác động ngắn hạn. Khi rượu vào cơ thể, các mạch máu ngoại vi nở rộng để đón nhận nhiều máu chảy qua, đồng thời tỏa rất nhiều năng lượng làm cơ thể mất nhiều nhiệt. Cho nên sau khi uống rượu mà ra ngoài trời lạnh thì rất nguy hiểm.

Và tính độc hại của rượu

Đối với cơ thể

Về lâu dài, rượu gây tổn thương ở các bộ phận cơ thể, nhất là ở gan. Rượu là nguyên nhân chính gây viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Rượu gây các rối loạn chức năng liên quan đến hệ tiêu hóa, tim mạch và sinh dục. Rượu còn gây thiếu hụt dưỡng chất. Sự thiếu hụt vitamin B1 là nguyên nhân gây bệnh ở não (rối loạn vận động, liệt nhãn cầu), có thể rối loạn trí nhớ, tổn thương dây thần kinh ngoại biên, suy tim.

Đối với bào thai

Rượu thấm qua nhau thai rất dễ dàng để vào máu của bào thai. Nếu uống rượu mạnh thường xuyên, có thể gây dị tật bẩm sinh, rối loạn phát triển, ảnh hưởng đến hành vi của trẻ sau này. Tỷ lệ mắc phải hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai là 0,5 - 3/1.000. Ảnh hưởng của rượu tác động đến sự phát triển của tất cả các cơ quan. Nguy cơ dị tật do rượu thường nghiêm trọng vào thời kỳ phát triển phôi, hình thành các cơ quan. Hệ thần kinh trung ương được phát triển sớm nhất và kéo dài đến tuần lễ thứ 16 của thai kỳ. Do đó, rượu tác hại nhiều nhất đến não bộ.

Thuốc trị nghiện rượu

Nghiện rượu: do rượu đến não, làm tăng việc sản xuất dopamin, gián tiếp gây ra bởi tác dụng của hai hệ tế bào thần kinh: hệ opioid vận dụng endomorphin (chất nội sinh có tính chất tương tự morphin) và hệ cannabinoid (chất nội sinh như hoạt chất của cần sa). Một khi đã nghiện rượu, rất khó trở lại con đường dùng rượu có chừng mực. Chỉ có một con đường duy nhất để khỏi chết vì rượu là cai rượu. Cai rượu không phải là chuyện dễ dàng vì trong 10 ngày đầu cai nghiện, có các triệu chứng lo âu, rối loạn tính tình, ngủ không yên, run rẩy, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp. Vì vậy cần phải có sự giúp đỡ của nhân viên y tế và dược phẩm. Các thuốc trị nghiện rượu thường dùng là:

Các thuốc an thần giải lo như benzodiazepine (seduxen, valium, diazepam) có thể làm giảm các triệu chứng thiếu rượu. Cần uống nhiều nước trong lúc cai rượu vì thận tiếp tục thải một lượng nước tương đương với lượng uống trước khi cai. Nếu uống không được thì phải truyền dịch, bổ sung vitamin B1 (B-complex) để phòng chống các rối loạn thần kinh. Có hai loại thuốc làm giảm sự thèm rượu:

Acamprosate: tác động đến hệ thần kinh dẫn truyền GABA. Cần phải sử dụng thuốc này cả năm. Ngoài ra, thuốc có thể gây tiêu chảy.

Naltrexone: đối kháng với các dẫn chất morphin sản xuất bởi chính cơ thể, nhằm cắt bỏ sự thèm rượu. Thuốc này có tác dụng phụ như buồn nôn, nhức đầu. Thuốc được kê toa trong 3 tháng.

Ngoài ra, còn có thuốc disulfiram tạo cảm giác khó chịu khi uống rượu: nóng bừng, đỏ mặt, nôn mửa, nhịp tim nhanh; nhưng thuốc có nhiều tác dụng phụ như hôn mê, rối loạn tim mạch, có khi gây tử vong.

Rượu nguy hiểm như thế, vì vậy khi đã nghiện cần phải có quyết tâm cao độ để cai.

BS. NGÔ VĂN TUẤN