nhathuoctot.com
Tuổi dậy thì trung bình ở trẻ gái khoảng 10 tuổi và 12 tuổi ở trẻ trai. Dậy thì sớm là khi bắt đầu có các dấu hiệu dậy thì trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai, nó có thể gây khó khăn cho trẻ về thể chất lẫn tinh thần.
Nguyên nhân và dấu hiệu dậy thì sớm
Một số trường hợp dậy thì sớm chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số bệnh lý có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra biến đổi này. Hiện tượng dậy thì sớm ở bé gái có thể do có những rối loạn về mặt sinh dục, có thể gây tăng tiết estrogen sớm hay các trường hợp có u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp.... Ở những trẻ bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, hoóc môn sinh dục nam quá nhiều khiến trẻ trai bị dậy thì sớm. Ngoài ra, khối u ở tinh hoàn cũng gây tăng tiết hoóc môn sinh dục và gây dậy thì sớm.
Ở trẻ gái, các dấu hiệu bên ngoài của dậy thì sớm như sau: Tăng chiều cao nhanh chóng, bắt đầu có kinh nguyệt, mọc lông nách, lông mu, nổi mụn,… Ở trẻ trai: Tăng kích thước dương vật hay tinh hoàn, mọc lông nách, lông mu hay lông mặt, giọng trầm, nổi mụn,...
Ảnh hưởng của dậy thì sớm đối với trẻ
Khi giai đoạn dậy thì kết thúc, sự tăng trưởng chiều cao cũng dừng lại. Do xương trẻ đã trưởng thành và sự phát triển xương ngưng lại trước độ tuổi thông thường, trẻ dậy thì sớm thường không đạt được chiều cao đầy đủ khi trưởng thành. Dậy thì sớm cũng có thể gây khó khăn cho trẻ về tinh thần và về mặt xã hội. Chẳng hạn, các trẻ gái dậy thì sớm có thể xấu hổ hoặc ngượng về những thay đổi thể chất của mình so với bạn bè cùng trang lứa dẫn đến cách cư xử của trẻ cũng có thể thay đổi. Trẻ gái có thể buồn rầu và dễ cáu. Trẻ trai có thể hay gây gổ nhiều hơn. Mặt khác, những đứa trẻ này mặc dù dậy thì sớm về sinh lý nhưng tâm lý lại không phát triển nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng quấy rối tình dục,…
Do đó các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến sự phát triển của trẻ, khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường so với lứa tuổi, cần đưa trẻ đi khám và điều trị sớm để hạn chế ảnh hưởng của tình trạng này. Khi trẻ được kết luận là dậy thì sớm thì việc điều trị kết hợp giáo dục tâm lý lứa tuổi là điều cần thiết. Nếu nguyên nhân gây dậy thì sớm là bệnh lý thì cần phải điều trị. Trường hợp không tìm thấy nguyên nhân thực thể, có thể điều trị cho trẻ bằng thuốc giảm hàm lượng hormone giới tính theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, để phòng ngừa dậy thì sớm, cha mẹ không nên cho trẻ dùng nhiều các sản phẩm có chứa chất bảo quản, chất tạo màu (đồ hộp, đồ ngọt, béo, thức ăn nhiều dầu mỡ,..) vì chất bảo quản có tác dụng tương tự như hormon giới tính, có thể làm gia tăng dậy thì sớm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa