Thông tin & Sự kiện

Có thể phát hiện ung thư bằng xét nghiệm nước tiểu

Ngày 03/03/2014 10:30

nhathuoctot.com

Một nhóm nghiên cứu của MIT đã tìm ra cách phát hiện ung thư đơn giản và chính xác nhờ xét nghiệm nước tiểu.

Xét nghiệm nước tiểu là một trong những xét nghiệm quan trọng giúp các bác sĩ có thể chuẩn đoán nhiều loại bệnh, ví dụ như tiểu đường, thử thai hay kiểm tra nồng độ chất ma túy trong máu. Đây là một phương pháp xét nghiệm đơn giản, không gây đau đớn mà vô cùng hiệu quả. Do đó các nhà khoa học của MIT đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp mới giúp áp dụng việc xét nghiệm nước tiểu để chuẩn đoán sớm các loại bệnh ung thư ở người.

Trong nghiên cứu mới được công bố tuần trước của Viện hàn lâm Khoa học, giáo sư Sangeeta Bhatia của MIT cho biết cô và nhóm nghiên cứu đã tìm ra loại giấy thử đặc biệt. Loại giấy thử này sử dụng cùng công nghệ áp dụng trên các loại que thử thai, tuy nhiên nó có thể phát hiện dấu hiệu của các khối u trong người thử. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm và phát hiện thành công các khối u trong cơ thể những con chuột của phòng thí nghiệm.

co-the-phat-hien-ung-thu-bang-xet-nghiem-nuoc-tieu

Trước khi thử nghiệm, các bác sĩ sẽ tiêm vào cơ thể một loại nano oxit sắt, giống như một tác nhân tương phản sử dụng cùng với máy chụp cộng hưởng từ MRI. Các hạt nano này nếu gặp khối u trong cơ thể sẽ bị các enzym metalloproteinase (loại enzym mà các tế bào ung thư sử dụng để xâm nhập vào các mô khỏe mạnh) làm phá vỡ cấu trúc và sau đó sẽ đi ra ngoài qua đường nước tiểu của người thử nghiệm. Các kháng thể trên que thử sẽ có nhiệm vụ phát hiện các cấu trúc của hạt nano đã bị phá vỡ và đào thải ra ngoài, nếu phát hiện ra các hạt nano bị đào thải que thử sẽ đổi sang màu đỏ và chứng tỏ có sự tồn tại của một khối u trong cơ thể người xét nghiệm.

Đây thực sự là một bước đột phá lớn trong y học, giáo sư sinh học Samuel Sia thuộc Đại học Colombia cho biết “Việc áp dụng và mở rộng phương pháp xét nghiệm này sẽ là bước đột phá lớn trong y học. Đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, khi điều kiện y tế còn khó khăn, trong khi việc xét nghiệm và chuẩn đoán ung thư rất tốn kém và phức tạp”.

Hiện tại Bhatia và nhóm nghiên cứu đang hoàn tất quá trình thử nghiệm trên người và sẽ áp dụng vào thực tiễn trong thời gian sớm nhất. Nhóm nghiên cứu của cô hiện đang được MIT và Trung tâm Deshpande trợ cấp một khoản tiền đầu tư khoảng 1 triệu USD để hoàn tất quá trình nghiên cứu. Giáo sư Bhatia cho biết “Hiện nay, chúng tôi đã sử dụng phương pháp xét nghiệm nước tiểu để có thể phát hiện bệnh ung thư vú và tuyến tiền liệt, trong tương lai gần chúng tôi sẽ cố gắng để có thể ứng dụng chuẩn đoàn hầu hết các loại bệnh ung thư trên người”.

Theo Genk.vn