nhathuoctot.com
Trẻ bị tiêu chảy rất dễ suy dinh dưỡng và có nguy cơ tử vong do mất nước, rối loạn điện giải. Suy dinh dưỡng và tiêu chảy tạo thành một vòng xoắn bệnh lý gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ. Vì vậy, ngoài việc bù nước điện giải oresol bằng đường uống thì việc bổ sung kẽm trong quá trình điều trị tiêu chảy cho trẻ là vô cùng quan trọng.
Kẽm là một vi chất quan trọng cho sức khỏe, sự phát triển và hệ thống miễn dịch của trẻ em. Khi trẻ tiêu chảy thường bị mất một lượng lớn kẽm. Do đó việc bổ sung kẽm trong quá trình điều trị tiêu chảy cho trẻ, sẽ giúp trẻ sớm phục hồi bệnh trong đó hiệu quả rõ rệt là giảm thời gian, mức độ nặng của tiêu chảy, đồng thời giúp trẻ tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ mắc đợt tiêu chảy mới trong những tháng tiếp theo sau tiêu chảy.
Khi trẻ mắc tiêu chảy cần chú ý đến chế độ ăn giàu kẽm.
Việc bổ sung kẽm qua bữa ăn hàng ngày là việc cần thiết để bổ sung đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể phục hồi nhanh cân nặng và chức năng đường ruột. Trước hết khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ nên được duy trì và tăng dần.
Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể tiếp tục tăng trưởng, phục hồi nhanh cân nặng và chức năng đường ruột, gồm khả năng tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng. Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.
Đối với trẻ lớn hơn, giai đoạn mắc tiêu chảy cho trẻ ăn bột, cháo với thịt bò, lòng đỏ trứng, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...), đậu xanh nảy mầm cũng nhiều kẽm và dễ hấp thu. Sau khi khỏi tiêu chảy cho bé ăn thức ăn giàu kẽm như: tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn...
Bên cạnh chế độ ăn có thể bổ sung cho trẻ bằng đường uống. Các bà mẹ cần đặc biệt lưu ý là không được hạn chế trẻ ăn và không nên pha loãng thức ăn.
Tuy nhiên, không phải trẻ nào bị tiêu chảy cũng cần bổ sung qua đường uống và liều lượng, cân nặng giống nhau chính vì vậy nếu muốn bổ sung kẽm qua đường uống cần sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa.
Bác sĩ Nguyễn Yến