Thông tin & Sự kiện

Cách thở trong bệnh phổi tắc nghẽn

Ngày 08/08/2013 20:06

nhathuoctot.com

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có triệu chứng nổi bật là bệnh nhân bị khó thở. Vì vậy, để sống chung với bệnh, người bệnh cần phải biết cách thở mới đảm bảo ôxy cho cơ thể để duy trì sức khỏe, cải thiện tình trạng bệnh và ngăn chặn tốc độ bệnh tiến triển nặng.
 

Phương pháp thở

Đối với bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, biết cách thở sâu là một phần thiết yếu trong kỹ năng sống chung với bệnh. Một hơi thở sâu rất cần để cung cấp đầy đủ oxy cho cơ thể, đồng thời giúp loại bỏ khí thải là carbon dioxide, còn giúp kích thích tủy sống và cơ quan nội tạng hoạt động tốt. Bước đầu tiên trong việc học thở là học cách hít thở sâu bằng cơ hoành. Cơ hoành là một cơ hình vòm ngăn cách khoang ngực và ổ bụng. Khi hít vào, cơ hoành hạ xuống tạo ra lực hút chân không hút không khí vào phổi. Khi thở ra, cơ hoành trở lại trạng thái ban đầu, đẩy không khí ra khỏi phổi.

 

Cách thở trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 1Tổn thương phổi tắc nghẽn mạn tính trên phim Xquang.
 

 

Thở cơ hoành và thở chúm môi: có 2 nhóm cơ chủ yếu tham gia trong quá trình thở  là cơ hoành và các cơ liên sườn. Ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, do tình trạng ứ khí trong phổi nên lồng ngực bị căng phồng làm hạn chế hoạt động của cơ hoành. Khi cơ hoành bị yếu, người bệnh hít thở phải sử dụng cơ hô hấp phụ là các cơ cổ, vai, cơ liên sườn để thở. Việc thở bằng cơ hoành là một cách giúp tăng cường cơ hoành và các cơ bụng, hít thở được nhiều không khí vào và ra khỏi phổi mà không mệt mỏi các cơ hô hấp ngực. Nếu kết hợp với chúm môi thở và thực hành thở thường xuyên sẽ giúp tăng cường hiệu quả của hô hấp và tiết kiệm năng lượng.

Cách thở cơ hoành: bệnh nhân nằm ngửa trên giường, chân hơi co, thả lỏng cổ và vai. Đặt một bàn tay lên bụng và đặt bàn tay kia lên ngực. Hít vào chậm qua mũi, đến khi bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên, lồng ngực không di chuyển. Hóp bụng lại và thở chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống. Tập thở cơ hoành nhiều lần trong ngày cho đến khi trở thành thói quen. Bệnh nhân có thể tập thở ở tư thế ngồi hoặc đứng ở tư thế thẳng đầu. Sau một thời gian đã nhuần nhuyễn kỹ thuật thì nên tập thở cơ hoành cả khi đi bộ và làm việc nhà.

Cách thở chúm môi: bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bị ứ khí trong phổi nên rất khó thở. Thở chúm môi là phương pháp giúp cho đường thở không bị xẹp lại khi thở ra giúp không khí thoát ra ngoài dễ dàng hơn. Bệnh nhân ở tư thế ngồi thoải mái. Thả lỏng cổ và vai. Hít vào chậm qua mũi, trong khi môi chúm lại như đang huýt sáo, thở ra bằng miệng chậm với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào. Bệnh nhân nên dùng kỹ thuật thở chúm môi bất cứ lúc nào cảm thấy khó thở như: leo cầu thang, tập thể dục, làm việc nhà... Bệnh nhân nên tập thở chúm môi kết hợp tập thở cơ hoành. Tập lặp đi lặp lại nhiều lần thật thuần thục, thành thói quen.

Phương pháp thông đờm

Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bị tăng tiết chất nhầy trong đường hô hấp gây khó khăn cho việc thở ra hít vào. Chất nhầy cũng là nơi sinh sản thuận lợi của vi khuẩn gây bệnh dẫn đến viêm phổi. Vì vậy, việc thông đàm là một phần quan trọng trong điều trị bệnh giúp bệnh nhân thở tốt hơn, giảm nguy cơ viêm phổi.

Bệnh nhân cần tập các phương pháp thông đàm như ho có kiểm soát, thở ra mạnh.

Ho có kiểm soát: người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường gặp khó khăn khi ho khạc đàm. Vì vậy, biết cách kỹ thuật ho có kiểm soát sẽ giúp bệnh nhân tống đàm ra ngoài, làm sạch đường thở mà không làm người bệnh mệt và khó thở.

Cách ho có kiểm soát: bệnh nhân ngồi ở tư thế thoải mái; hít vào chậm và sâu; nín thở trong vài giây; ho mạnh 2 lần giúp đẩy đàm ra ngoài, khạc đàm; hít vào chậm và nhẹ nhàng. Nên thở chúm môi vài lần trước khi lập lại động tác ho. Bệnh nhân phải tập để có lực ho đủ mạnh mới đẩy được đàm ra.

Những trường hợp người bệnh không đủ sức ho nên thay thế bằng kỹ thuật thở ra mạnh như sau:

Cách thở ra mạnh: bệnh nhân hít vào chậm và sâu; nín thở trong vài giây; thở ra mạnh và kéo dài; hít vào nhẹ nhàng bằng cách hít thở chúm môi đều vài lần trước khi lập lại.

Bệnh nhân cần tập luyện các phương pháp và kỹ thuật nói trên cho đến khi đạt kết quả. Người bệnh cần chọn một nơi yên tĩnh để tập các kỹ thuật nói trên. Người bệnh cũng cần xây dựng quyết tâm là tập bằng được các kỹ thuật này. Muốn thế, phải thật kiên nhẫn trong tập luyện.

ThS. Nguyễn Xuân Lục