Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho người dân; xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em, dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước, từng bước đưa môn bơi vào trong trường học một cách rộng rãi, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy bơi... Phổ cập kỹ năng sơ, cấp cứu trẻ em bị đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên…Mỗi gia đình hãy quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện cho các em hiểu biết, biết bảo vệ mình trong môi trường nước ngay từ khi còn nhỏ.
Mặc áo phao là biện pháp tốt phòng tránh đuối nước
Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên. Nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được. Nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào. Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi). Người lớn nên đưa con đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.
Tăng cường phối hợp giữa các ngành, đoàn thể xây dựng nội dung và tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đặc biệt, chú trọng đến vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao.
Trường học an toàn; tổ chức các lớp sinh hoạt hè, thu hút các em học sinh tham gia, những nơi có điều kiện có thể dạy bơi cho các em…Đặc biệt, cần quan tâm trang bị những kỹ năng sống và giám sát cho các bậc phụ huynh, đây chính là điều kiện chăm sóc, bảo vệ các em tốt nhất để các em được phát triển một cách toàn diện và xã hội không còn phải chứng kiến những cái chết thương tâm do tai nạn đuối nước gây nên.
ThS. Lê Minh Quân