Thông tin & Sự kiện

Các thuốc tuyệt đối không dùng khi uống rượu

Ngày 23/07/2016 11:05

nhathuoctot.com

Có nhiều loại thuốc khi đang sử dụng thì không được uống rượu vì dù chỉ một lượng nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến sự an toàn và hiệu quả của thuốc. Vậy những loại thuốc nào có tương tác mạnh nhất với rượu?

Các thuốc chống viêm không steroid

Khi bạn sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm không steroid, bao gồm cả thuốc không kê đơn (OTC), chẳng hạn thuốc giảm đau như ibuprofen và naproxen có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và loét dạ dày. Nếu uống thêm rượu có thể làm cho những tác dụng phụ nặng nề hơn. Hay thuốc acetaminophen có thể ảnh hưởng trực tiếp đến gan và nếu uống thêm rượu thì bạn sẽ khiến gan phải đối diện với nguy cơ bị tổn thương do làm việc quá sức.

Thuốc ngủ

Rượu làm cho tác dụng của thuốc ngủ, cả thuốc kê đơn và không kê đơn phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn . Đây không phải là một điều tốt vì đồ uống này có thể gây buồn ngủ, chóng mặt và làm chậm hơi thở khi dùng với thuốc an thần. Ngoài ra, rượu có thể còn làm cho bạn ngủ kéo dài hay gấp đôi lượng thời gian của thuốc an thần, thậm chí làm giảm tác dụng của thuốc. Do vậy, đừng mạo hiểm khi uống thuốc an thần lại uống thêm rượu, ngay cả khi lượng rượu chỉ là 1,2 ly vì đã có trường hợp quá liều và tử vong từ sự kết hợp này mà hãy chắc chắn ngừng hoàn toàn rượu khi dùng thuốc an thần hay thuốc chống lo âu có tác dụng an thần như Xanax.

 

Thuốc hạ huyết áp và cholesterol

Những người dùng thuốc trị bệnh tim mạch như tăng huyết áp, tăng mỡ máu nên thận trọng về việc uống rượu. Dược sĩ lâm sàng Megan Rech tại Trung tâm Y khoa Đại học Loyola cho biết, thuốc dùng chữa tăng huyết áp bằng cách làm giảm huyết áp nhưng rượu có thể có tác dụng phụ và làm cho huyết áp xuống quá thấp  gây chóng mặt hoặc ngất xỉu. Còn thuốc hạ cholesterol được chuyển hóa ở gan nên nếu bạn uống rượu thường xuyên hoặc quá mức thì dễ dẫn đến tổn thương gan và chảy máu dạ dày.

Thuốc chống trầm cảm

Cũng giống như thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm có thể gây ra buồn ngủ, chóng mặt và tình trạng này có thể tăng nặng khi người bệnh uống rượu khiến họ đối diện với nguy cơ chấn thương cao như té ngã hay tai nạn xe hơi. Bên cạnh đó, rượu có thể gây ra hiện tượng lưu trữ và làm bệnh trầm cảm tiềm ẩn tồi tệ hơn.

Ngoài ra, người bệnh cần chú ý một loại thuốc ức chế oxidase chống trầm cảm - có thể gây ra vấn đề về tim và huyết áp cao, thậm chí tử vong khi kết hợp với rượu. Do vậy, nếu bạn dùng loại thuốc này thì nên tránh uống rượu hoàn toàn.

Thuốc kháng sinh

Khi kê đơn thuốc kháng sinh, đặc biệt là metronidazole, tinidazole và trimethoprim - sulfamethoxazole, cephalosporin bác sĩ thường cảnh báo bạn không được uống rượu vì rượu có thể nguy hiểm. Nguyên nhân là do những loại thuốc này có chứa các enzyme có tác dụng với rượu và có thể gây ra đau đầu, đỏ bừng mặt, tim đập nhanh, buồn nôn và nôn tồi tệ hơn so với bình thường. Khuyến cáo được các bác sĩ đưa ra là không nên uống rượu nếu bạn đang dùng kháng sinh. Nếu muốn, bạn nên uống sau 72 giờ sau liều thuốc cuối cùng hay khi cơ thể được chữa khỏi bệnh vì khi phải dùng kháng sinh là cơ thể bạn đang phải chiến đầu với một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính.

 

Thuốc dị ứng và cảm lạnh

Thuốc dị ứng không kê đơn như benadryl và zyrtec chứa thành phần kháng histamin, một chất có thể gây buồn ngủ quá mức và có thể đặt bạn vào nguy cơ nếu bạn đang lái xe hay vận hành máy móc thiết bị. Nguy cơ này sẽ tăng lên nếu bạn vừa sử dụng thuốc dị ứng vừa uống rượu. Ngay cả các thuốc kháng histamine được quảng cáo là không buồn ngủ (như claritin và allegra ) vẫn có thể gây buồn ngủ ở một số người, đặc biệt là khi kết hợp với rượu.

Thuốc kháng histamine cũng được sử dụng trong một số loại thuốc cảm lạnh và cảm cúm như nyquil, một số thuốc hỗ trợ giấc ngủ ban đêm không được dùng chung với rượu. Nếu bạn cần phải uống rượu vì một lý do nào đó khi đang dùng một trong những loại thuốc này thì nên uống một lượng vừa phải và chắc chắn rằng bạn không phải lái xe hay đặt mình vào nguy cơ tai nạn hay chấn thương.

Lê Thu Lương

(Theo Health)