Thông tin & Sự kiện

Bàn về “bác sĩ kinh công”

Ngày 01/12/2015 11:05

nhathuoctot.com

SKĐS - Chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ra quyết định cho phép Trường đại học (ĐH) Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh và đào tạo nghề y - dược khiến dư luận xã hội bàng hoàng.

Chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ra quyết định cho phép Trường đại học (ĐH) Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh và đào tạo nghề y - dược khiến dư luận xã hội bàng hoàng. Vẫn biết có những trường ĐH có thể đào tạo đa ngành nghề nhưng không phải bất cứ ngành nghề nào cũng có thể đào tạo được. Ngay ở những nước tiên tiến, mỗi ngành nghề được đào tạo trong trường “ĐH đa ngành” cũng phải bảo đảm chất lượng đào tạo thể hiện qua đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất tối thiểu. Và thường những ngành nghề “đặc thù”, có “điều kiện” khó có thể được đào tạo tại “ĐH đa ngành” ngoài những trường ĐH chuyên ngành.

Sự bất nhất trong những quy định của chính Bộ GD-ĐT

Xem quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh và đào tạo nghề y - dược của Bộ GD-ĐT, dư luận không khỏi nghi ngờ về sự tiền hậu bất nhất trong chính những quyết định của Bộ. Cách đây không lâu, chính Bộ GD-ĐT đã đình chỉ chuyện tuyển sinh ở rất nhiều trường ĐH nếu ngành nghề đào tạo trong trường không đủ 70% giảng viên cơ hữu (tức là có biên chế, hợp đồng dài hạn, đóng bảo hiểm tại trường) có trình độ thạc sĩ trở lên. Có trường khá nổi tiếng có 31 ngành học thì bị yêu cầu không tuyển sinh 30 ngành học do không đủ % giáo viên cơ hữu như quy định. Báo chí um xùm về chuyện ngành nghề đặc thù, Bộ GD-ĐT đành chấp nhận cho tuyển sinh như cũ nhưng  Bộ vẫn nói đến năm 2016 phải có đủ “tiêu chuẩn” như Bộ quy định. Không hiểu Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (xin gọi tắt là ĐH Kinh Công) tới thời điểm được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh có bao nhiêu giảng viên cơ hữu, bao nhiêu giảng viên có trình độ thạc sĩ y khoa trở lên đã hợp đồng dài hạn với trường để đào tạo nghề y - dược? Sao có sự dễ tính hay dễ quên những quy định đã ban hành  đối với trường ĐH Kinh Công này đến vậy? Đằng sau sự bất nhất này là gì?

Chất lượng của sản phẩm đào tạo?

Nghề thầy thuốc là nghề nhạy cảm nhất liên quan tới sức khỏe và tính mạng con người. Chính vì thế các trường ĐH Y - Dược luôn tìm các thí sinh có tố chất, học lực xuất sắc để đào tạo thể hiện qua việc thi tuyển và xét tuyển. Có nhiều trường hợp thí sinh đạt 27 điểm (trung bình 9 điểm/môn thi) vẫn không được tiếp nhận vì nhiều thí sinh khác có điểm cao hơn cũng như chỉ tiêu do chính Bộ GD-ĐT “cấp” có hạn. Thế nhưng ĐH Kinh Công tuyển sinh không cùng các trường ĐH khác có thể tuyển sinh y - dược chỉ cần 20 điểm, thậm chí trượt ĐH y - dược và các ĐH khác là sao? Không lẽ cứ đóng học phí cao ngất ngưởng là có thể học được nghề chữa bệnh cứu người? Đằng sau sự trái khoáy này là gì?

Với chất lượng đầu vào khác nhau như thế, truyền thống đào tạo và cơ sở vật chất của ĐH Y Dược và ĐH Kinh Công khác nhau như thế, không lẽ thầy thuốc ra trường phải đeo biển “bác sĩ y khoa” hoặc “bác sĩ kinh công” để người dân dễ phân biệt.

Chữa bệnh theo tư duy kinh doanh và công nghệ?

Dư luận có thể tán thành việc đào tạo theo nhu cầu xã hội (Đúng hơn là nhu cầu từ sở thích thí sinh chứ không phải nhu cầu của ngành nghề đó). Ví dụ như ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, ngân hàng hay chứng khoán... đang hot thì nhiều trường ĐH có thể đào tạo. Ngành y - dược cũng hot không kém, có thể nói là hot nhất qua việc thí sinh đăng ký thi vào, 27 điểm còn trượt như nói trên. Thế nhưng việc đào tạo ở lĩnh vực này không thể chạy theo hiện tượng hot. Những thầy thuốc chữa bệnh cứu người phải được trang bị kiến thức từ các trường chuyên ngành chứ không thể từ trường đa ngành với kiến thức chắp vá do phải tìm thầy thỉnh giảng và cơ sở vật chất không đầy đủ. Lời thề Hypocrat với sinh viên y dược khi bắt đầu vào trường chỉ thiêng liêng với người có năng lực, học lực thật sự và hoàn toàn vô nghĩa với người coi nghề y là nghề hot miễn là đóng học phí cao dù điểm đầu vào thấp hay trượt ĐH.

Không ít nghề học ra để kinh doanh nhưng nghề y với thiên chức của mình không thể là một nghề để kinh doanh. Không ít nghề có thể làm việc, sản  xuất theo công nghệ nhưng nghề y không thể dập theo một công nghệ nào bởi mỗi người bệnh là một trường hợp cần được xử lý hoàn toàn khác nhau. Người đâu phải là máy, thầy thuốc đâu phải là thợ sửa sức khỏe và bệnh viện đâu phải cơ sở sửa chữa, lắp ráp sức khỏe.

Hãy giữ gìn và bảo vệ uy tín thầy thuốc

Không phải vô lý khi người khám chữa bệnh được dân gọi là thầy thuốc. Những trường ĐH đang mọc lên như nấm, đến nỗi nhiều trường ĐH phải “săn” sinh viên và dư luận coi ngành đào tạo cũng là một ngành kinh doanh. Chả biết thực hư đúng sai thế nào nhưng xin đừng kinh doanh việc đào tạo thầy thuốc. Giữ gìn và bảo vệ thiên chức của nghề y cũng là giữ gìn và bảo vệ uy tín của thầy thuốc và điều này quan trọng biết bao với sức khỏe của người dân, sức khỏe của cả một dân tộc và sự phát triển của đất nước.

 

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo ngành y dược gây nhiều thắc mắc trong dư luận.

Lê Quý Hiền