Thông tin & Sự kiện

Bài tập giúp cải thiện thoái hóa đốt sống cổ

Ngày 19/03/2014 9:10

nhathuoctot.com

Đây là căn bệnh khá phổ biến hiện nay, tuy nhiên một số cách vận động dưới đây đem lại hiệu quả cao cho người bệnh.

Từ đốt 3 – 7 hay bị thoái hóa nhất

Cột sống cổ gồm 7 đốt, đốt thứ 7 là đốt bản lề, đốt xoay nhiều nhất, đốt thứ 3 – 7 là đốt vận động, do vậy hay gặp thoái hóa nhất. Thoái hóa đốt sống cổ xảy ra do nhiều yếu tố. Đầu tiên bệnh mắc phải là do một quá trình mang vác, đội nhiều, gặp ở những người lao động nặng như thợ xây, thợ hồ, công nhân. Khi giữa các đốt sống có lớp đệm ở giữa, do quá trình đội vác làm các lớp đệm đó bị xẹp lại làm cho bệnh nhân đau, khó vận động.

Đối tượng thứ hai hay gặp thoái hóa đốt sống cổ là những người lái xe, làm việc lâu trên máy vi tính… do ngồi sai tư thế, nghiêng vẹo cổ, lưng… Đặc biệt, ở nước ta nóng lạnh thất thường, khi thời tiết nóng thì giãn mạch, giãn cơ, thời tiết lạnh thì gây co mạch, co cơ làm bệnh nhân đau. Người bệnh thường cảm thấy mỏi cổ, đau ở giữa phần cổ rồi lan trên gáy, đau nửa đầu, lan ra 2 cánh tay khiến đau khớp vai. Hậu quả của nó là không giơ tay lên cao được, thậm chí không làm được những việc nhỏ nhặt như chải đầu, gãi lưng được, đi tiểu không kéo quần lên…

bai-tap-giup-cai-thien-thoai-hoa-dot-song-co

TS Chương tập động tác cọ.

“Thông bất thống”

Theo Đông y, khi máu không lưu thông được gây ứ đọng C02, gây co cứng cơ khiến bệnh nhân đau. Vì vậy, trong điều trị nguyên tắc chung là làm mềm các cơ cổ, giải phóng tắc nghẽn, lưu thông khí huyết, giải phóng C02. Tất cả các thuốc xoa bóp, biện pháp day bấm đều nhằm tác động cơ học để đẩy máu đi, mục tiêu cơ bản nhằm giãn mạch, giãn cơ. Tuy nhiên, đối với người thoái hóa đốt sống cổ thì yếu tố vận động là cách phòng và điều trị cho kết quả tốt nhất. Người bệnh có thể áp dụng các bài tập dưới đây để cải thiện chứng bệnh của mình:

Bài 1 (cọ): 2 tay đan chéo vào nhau, vắt sau gáy, rồi cọ (nghiêng) sang phải, trái khoảng 30 – 50 lần. Khi nghiêng tai cần sát bả vai.

Bài 2 (cúi ngửa): 2 tay đan chéo  vào nhau, vắt sau gáy và cúi xuống, cằm chạm ngực, ngửa lên gáy (chẩm) phải sát lưng. Động tác này làm khoảng 30 lần.

Bài 3 (vận động cơ vai): 2 tay nắm hờ, xoay song song với 2 vai, sao cho 2 vai nhô lên, tay nhô lên, cổ tụt xuống, để 2 đỉnh vai gần sát tai. Bệnh nhân làm như vậy 30 lần, đổi chiều trước ra sau, sau ra trước.

Bài 4 (kéo giãn): Người bệnh nằm trên giường hoặc ghế tập. Nằm ngửa, nghiêng đầu xuống dưới thành giường khoảng 5 giây rồi đổi bên. Làm như vậy 30 lần.

Ngoài các động tác trên, người bệnh cần tập thể dục thường xuyên, xoa bóp vùng cổ – gáy bằng các thuốc thảo dược như hồi, quế, địa liền, hạt gấc, huyết giáp, khúc khắc, dầu nong não, tinh dầu bạc hà. Mỗi thứ 10g/lít cồn, ngâm khoảng nửa tháng, dùng bã để xoa bóp, dùng nước để ngâm chân, tay, vùng đau mỏi sẽ cho kết quả tốt.

Để phòng bệnh thoái hóa đốt sống cổ, mọi người cần ngồi, làm việc đúng tư thế, không để cơ thể lạnh, đặc biệt phần cổ, ngực. Khi ngủ không được gối đầu cao, gối bằng gối cứng. Về ăn uống, theo Đông y khi bệnh phát thì nên kiêng những chất gây ứ trệ như măng, su hào, cà pháo trắng, cà tím.

TS Nguyễn Văn Chương (nguyên Chủ nhiệm Khoa Nội – Nhi – Y học Cổ truyền, Bệnh viện Bộ Năng lượng)

Theo Kienthuc.net.vn