Thông tin & Sự kiện

Thiếu vi chất do uống thuốc chống trầm cảm

Ngày 01/04/2015 21:11

Có rất nhiều giả thuyết giải thích cơ chế gây trầm cảm. Nhưng về mặt dược lý, người ta cho rằng trầm cảm là do thiếu hụt các chất noradrenalin, giảm sút serotonin, giảm sút hàm lượng phenyletylamin và phenylanalin trên thần kinh trung ương. Theo sự phân chia như vậy người ta bào chế ra các thuốc có tác dụng làm phục hồi hoặc điều chỉnh các chất này để chống trầm cảm.

Thiếu vi chất do uống thuốc chống trầm cảm

Có rất nhiều giả thuyết giải thích cơ chế gây trầm cảm. Nhưng về mặt dược lý, người ta cho rằng trầm cảm là do thiếu hụt các chất noradrenalin, giảm sút serotonin, giảm sút hàm lượng phenyletylamin và phenylanalin trên thần kinh trung ương. Theo sự phân chia như vậy người ta bào chế ra các thuốc có tác dụng làm phục hồi hoặc điều chỉnh các chất này để chống trầm cảm.
Các loại thuốc chống trầm cảm
Trầm cảm là một bệnh tâm thần được đặc trưng bởi sự suy sụp về thể chất, tâm trạng, mất hứng thú, niềm vui, thay vào đó là cảm giác tội lỗi và thiếu sự tập trung. Nói về trầm cảm có lẽ chúng ta cảm thấy xa vời và xa lạ, nhưng nếu nói rằng trầm cảm đang là nguyên nhân lớn nhất gây ra tự tử thì có lẽ sự quan tâm sẽ được thay đổi.
Hiện nay, có 5 nhóm thuốc chống trầm cảm chính, đó là thuốc ức chế sự thu hồi serotonin và hoặc norepinephrin, thuốc ức chế sự thu hồi serotonin có chọn lọc, thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng, thuốc ức chế sự phân hủy các mono amin (ức chế MAO) và thuốc chống trầm cảm thế hệ mới.
Chính vì thuốc tác dụng lên các chất trung gian hóa học thần kinh nên tác dụng của chúng là rất phức tạp. Một trong các tác dụng phụ đó là sự rối loạn vitamin do thuốc gây ra.
Thiếu vi chất do uống thuốc chống trầm cảm 1
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Coi chừng thiếu vi chất
Vấn đề dinh dưỡng với người dùng thuốc chống trầm cảm là một vấn đề đáng bàn. Bởi có hai lý do sau đây: thứ nhất, thuốc chống trầm cảm được dùng để điều trị như một biện pháp chính thống thì phải dùng với một thời gian rất dài, không thể tính bằng ngày. Thứ hai, thuốc thường có tương tác mạnh với các receptor ở màng tế bào, nhất là với các bơm ion. Vì thế, việc ảnh hưởng tới dinh dưỡng là điều khó tránh khỏi.
Về mặt tác động tới vi chất dinh dưỡng, chúng ta phải hết sức chú ý với vitamin B2, cân bằng natri máu, canxi máu và hàm lượng coenzym Q10. Bằng nghiên cứu thực nghiệm và theo dõi trên người, các nhà khoa học đã đi đến nhận định, thuốc chống trầm cảm có thể làm thiếu hụt lượng vitamin B2 trong cơ thể, nhất là các thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng.
 
Nguyên nhân đó là do thuốc chống trầm cảm làm tốc độ hấp thu của vitamin B2 trong thực phẩm. Bên cạnh đó, dường như thuốc chống trầm cảm còn ức chế sự chuyển hóa vitamin B2 từ dạng tiền chất sang dạng có thể sử dụng được. Đơn giản là do thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng có cấu trúc hóa học gần giống với riboflavin nên có sự cạnh tranh trong hấp thu và thể hiện hoạt tính. Hàm lượng vitamin B2 trong cơ thể người bệnh luôn thấp hơn so với bình thường. Tác hại này xảy ra sau chừng 3-4 tuần dùng thuốc. Chlorpromazin, imipramin và amitriptylin là các thuốc cảnh báo nhất làm hư hỏng chuyển hóa và hấp thu vitamin B2.
 
Bên cạnh sự ảnh hưởng tới vitamin B2 đó là sự ảnh hưởng tới hàm lượng Na máu. Na là một điện giải vô cùng quan trọng tạo nên sự cân bằng nội môi. Đây là điện giải chính yếu nhất tạo nên áp suất thẩm thấu cho máu giúp máu giữ nước lại cho cơ thể. Na cũng là điện giải chủ đạo nhất phối hợp cùng với K tạo nên hiệu ứng điện thế trên màng tế bào. Hầu như mọi hoạt động sống của tế bào đều dựa trên các kênh điện thế này.
 
Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm lại làm ảnh hưởng tới sự cân bằng bình thường của Na trong cơ thể. Người ta luôn thấy trong cơ thể người bệnh, hàm lượng Na thấp hơn bình thường. Lý giải điều này người ta cho rằng, có lẽ thuốc chống trầm cảm làm tăng tiết hormon chống lợi niệu của tuyến yên. Điều này dẫn tới hậu quả cơ thể giữ nước hơn bình thường và Na bị hòa loãng quá mức.
Vi chất tiếp theo bị ảnh hưởng đó là canxi. Một cảnh báo đưa ra với người dùng thuốc trầm cảm đó là nguy cơ giảm sự hấp thu canxi. Ảnh hưởng này đã làm suy giảm nghiêm trọng tới sức khỏe hệ xương vì canxi vốn là rường cột của xương giống như xương là rường cột của cơ thể vậy. Với người trên 50 tuổi, các nhà điều trị khuyến cáo nếu dùng thuốc chống trầm cảm kéo dài mà không có sự điều chỉnh canxi thì họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ gãy xương cao gấp 2 lần so với bình thường. Tác hại này đặc biệt cần chú ý với zoloft (thành phần là sertraline), prozac (thành phần fluoxetine).
Vi chất cuối cùng chúng tôi muốn lưu ý tới đó là coenzyme Q10. Sẽ là thiếu sót nếu như nhắc tới các chất chống ôxy hóa có tác dụng bảo vệ tế bào mà không nói tới coenzyme Q10 vì vi chất dinh dưỡng này có tác dụng chống ôxy hóa đặc biệt mạnh. Tuy nhiên, dường như coenzyme Q10 đang bị suy giảm bởi thuốc chống trầm cảm. Coenzyme Q10 bị giảm hấp thu do bị thuốc chống trầm cảm đối kháng. Người ta luôn thấy hàm lượng vi chất dinh dưỡng này thấp hơn bình thường. Điều này có nghĩa là người bệnh sẽ càng dễ bị tổn thương tế bào hơn do sự giảm khả năng chống ôxy hóa tự nhiên của cơ thể. Cần chú ý với amitriptylin và một số thuốc chống trầm cảm 3 vòng khác.
Thiếu vi chất do uống thuốc chống trầm cảm 2
 Dùng thuốc chống trầm cảm kéo dài gây loãng xương ở người lớn tuổi.
Khắc phục như thế nào?
Nên dùng thuốc có sự theo dõi sát sức khỏe người bệnh. Khi người bệnh có bất cứ biểu hiện nghi vấn nào cần có sự kiểm tra kỹ lưỡng.
Với người già, người trên 50 tuổi, nữ giới, cần chú ý tới sự ảnh hưởng của canxi và sức khỏe của xương khi dùng thuốc chống trầm cảm. Nếu như cơ thể bị mệt mỏi do thiếu hụt năng lượng, có lẽ nên dùng thêm vitamin B2. Nếu như bạn thấy người bệnh có vẻ dễ tổn thương, mệt mỏi dạng nhiễm độc, bạn nên kiểm tra nồng độ Na và bổ sung thêm coenzym Q10.
Cuối cùng, để dùng thuốc an toàn, nên rút ngắn thời gian dùng thuốc liều cao xuống. Vì trong đa phần các trường hợp rối loạn là do liên quan tới liều cao mà ra. Một trong những giải pháp hữu ích khắc phục các rối loạn này đó là liệu pháp dinh dưỡng tăng cường. Dinh dưỡng như thế nào nhất thiết phải hỏi ý kiến bác sĩ vì thuốc chống trầm cảm vốn rất dễ bị “tổn thương” bởi thực phẩm.     
BS. Vũ Huy Hiệu