Thông tin & Sự kiện

Phương pháp điều trị bệnh thông liên nhĩ

Ngày 08/04/2014 10:02

Thông liên nhĩ là một trong những bệnh lý liên quan đến tim thường gặp nhất. Hiện nay, việc điều trị bệnh thông liên nhĩ đã không còn khó khăn nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế.

1. Phương pháp điều trị thông liên nhĩ

Đóng lỗ thông liên nhĩ có thể thực hiện bằng phẫu thuật tim hở với tuần hoàn ngoài cơ thể (đường mổ dọc xương ức, dưới sườn hoặc sau bên ở lưng). Đây là phương pháp điều trị kinh điển đã được áp dụng từ lâu.

Hiện nay người ta có thể đóng qua da các lỗ thông liên nhĩ thứ phát mà còn có đủ gờ xung quanh lỗ thông đó bằng các loại dụng cụ đặc biệt.

phuong-phap-dieu-tri-benh-thong-lien-nhi

2. Chỉ định phẫu thuật thông liên nhĩ

Với các lỗ thông bé:

Tiếng thổi nhỏ, tiếng thứ 2 (T2) tách đôi, đường kính thất phải/thất trái nhỏ hơn 2/3 thì cần theo dõi định kỳ thường xuyên.

Với các lỗ thông kích thước trung bình:

Bệnh nhân không có dấu hiệu cơ năng, bloc nhánh phải không hoàn toàn, tỷ lệ đường kính thất phải/thất trái từ 2/3 đến 1, có tăng tưới máu phổi trên phim chụp X-quang, trường hợp này, nếu là nữ giới thì nên phẫu thuật khoảng năm 15 tuổi (phẫu thuật đường ngang dưới vú); nếu là nam giới thì nên phẫu thuật lúc 5 tuổi.

Nếu có khả năng đóng qua da bằng dụng cụ (Amplatzer, CardioSeal…) thì nên thực hiện ngay khi có thể ở các lỗ thông loại này.

Với các lỗ thông lớn:

Tiếng thứ nhất (T1) mạnh, rung tâm trương do tăng lưu lượng, tỷ lệ đường kính thất phải/thất trái lớn hơn, trường hợp này nếu có tăng áp động mạch phổi cần đóng lỗ thông này càng sớm càng tốt.

Nếu không tăng áp động mạch phổi thì đóng lỗ thông đó một cách hệ thống lúc trẻ độ 5 tuổi.

Thông liên nhĩ nghi ngờ đã có tăng áp động mạch phổi cố định:

Cần làm thông tim chẩn đoán. Chỉ phẫu thuật khi chưa có tăng áp động mạch phổi cố định, lưu lượng mạch phổi vẫn tăng hơn lưu lượng đại tuần hoàn (vẫn còn shunt trái sang phải là chủ yếu) và sức cản mạch phổi vẫn còn trong giới hạn cho phép (chưa trở thành phức hợp Eisenmenger).

Tiến triển của thông liên nhĩ thường dung nạp tốt vì vậy đôi khi phát hiện bệnh rất muộn ở tuổi trưởng thành. Tăng áp động mạch phổi cố định (không còn chỉ định phẫu thuật) có thể gặp ở tuổi 20 đến 30. Suy tim và rối loạn nhịp tim có thể bắt đầu xảy ra ở tuổi 30 đến 40.

Nếu lỗ thông liên nhĩ được đóng kín (bằng phẫu thuật hay bằng dụng cụ qua da) thì có thể coi như bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn. Rối loạn nhịp ở các bệnh nhân này là hãn hữu.

Phẫu thuật đóng thông liên nhĩ với tuần hoàn ngoài cơ thể từ rất lâu đã trở thành một phẫu thuật kinh điển. Tùy theo kích thước và vị trí của lỗ thông liên nhĩ mà phẫu thuật viên có thể khâu trực tiếp hoặc làm miếng vá bằng màng ngoài tim để đóng kín hoàn toàn lỗ thông liên nhĩ.

phuong-phap-dieu-tri-benh-thong-lien-nhi

3. Nguy cơ sau phẫu thuật

Không nhiều các nguy cơ sau phẫu thuật. Nguy cơ phẫu thuật liên quan đến cơ địa bệnh nhân như tuổi, rung nhĩ, áp lực động mạch phổi và sức cản mạch phổi tăng cao.

Sau mổ, bệnh nhân còn có thể bị nguy cơ mắc hội chứng sau mở màng ngoài tim (hay gặp hơn các phẫu thuật tim bẩm sinh khác). Rối loạn nhịp nhĩ có thể vẫn kéo dài một thời gian sau đó cho đến khi kích thước của nhĩ và thất phải trở về kích thước bình thường.

Đóng lỗ thông liên nhĩ qua da bằng dụng cụ là thủ thuật ngày càng được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam phương pháp này hiện nay đã được tiến hành thường quy tại Viện Tim mạch Việt Nam.

Tất cả các trường hợp thông liên nhĩ lỗ thứ hai có kích thước không quá lớn và gờ xung quanh lỗ đủ lớn (hơn 5mm) đều có khả năng đóng bằng dụng cụ qua da dưới màn tăng sáng.

Phương pháp này ngày càng chứng minh được tính hiệu quả như thời gian nằm viện ngắn, ít đau, không có sẹo mổ, ít biến chứng ngay cả ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao.

Theo Nhatkybe.vn