Thông tin & Sự kiện

Không tự ý dùng thuốc trị táo bón

Ngày 29/08/2013 23:19

nhathuoctot.com

Táo bón là một hội chứng thường gặp trong thực tế điều trị hoặc trong đời sống. Nhiều người đã tự ý dùng thuốc hoặc theo lời mách bảo khiến tình trạng táo bón không được cải thiện, có khi còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
 

Táo bón là trạng thái đi tiêu phân khô cứng, buồn đại tiện mà không đi được, thời gian đi tiêu lâu hoặc nhiều ngày mới đi tiêu, trong điều kiện ăn uống bình thường. Tuy nó không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng việc đi ngoài khó khăn, có thể gây rách và chảy máu hậu môn sẽ làm người bệnh đau đớn, táo bón lâu ngày có thể dẫn đến bệnh trĩ do áp lực rặn mỗi khi đi đại tiện hoặc bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn vì chất thải tích tụ lâu trong cơ thể. Táo bón có thể xảy ra cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài vài tuần và có thể tái phát nhiều đợt.

 

Không tự ý dùng thuốc trị táo bón 1Ruột của người bị táo bón.
 

 

 

Nguyên nhân gây ra táo bón có thể do bệnh của đại tràng, ăn quá ít chất xơ, uống quá ít nước, ảnh hưởng tâm lý như buồn phiền, lo lắng. Người làm việc tĩnh tại, thiếu vận động, lười đi đại tiện cũng gây ra táo bón. Một số thuốc đang dùng cho một bệnh nào đó cũng có thể gây ra táo bón như các thuốc chứa kim loại (nhôm, canxi, bismuth) trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng, các thuốc chứa cao opium (thuốc phiện), thuốc chống trầm cảm, thuộc trị bệnh liệt rung... Các thuốc trị dị ứng (antihistamine), thuốc lợi tiểu, thuốc ngủ, thuốc làm dịu đau, thuốc atropin... cũng là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp gây nên chứng táo bón.

Thuốc trị táo bón có hai nhóm chính gồm: loại để uống và loại để bơm hoặc nhét qua hậu môn.  Loại thuốc có nguồn gốc hóa học có công hiệu nhanh nhưng không nên dùng nhiều vì thuốc này dễ gây lệ thuộc thuốc, bệnh nhân phải dùng nó mỗi lần muốn đi đại tiện, nếu bỏ thuốc sẽ bị táo bón. Loại thứ hai có nguồn gốc tự nhiên được bào chế từ những loại thực vật có nhiều chất xơ. Khi dùng thuốc này, bệnh nhân phải uống với nhiều nước để làm cho chất xơ này nở ra, như vậy mới có công hiệu. Nhìn chung, loại này tốt hơn loại hóa học nhiều và không gây lệ thuộc thuốc. Tuy nhiên, bệnh nhân cần nhớ là nếu không uống nhiều nước theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc, chất xơ có thể tích tụ lại trong dạ dày hoặc đường ruột, gây đầy bụng, khó tiêu. Đối với loại thuốc trị táo bón loại nhét qua hậu môn không nên dùng thường xuyên, vì chúng có thể gây lệ thuộc thuốc và ăn mòn trực tràng. Một số thuốc thông dụng:

Duphalac (lactulose 50%) bản chất là đường có thể dùng cho cả trẻ em và người lớn theo liều chỉ định.

Dầu parafine: là loại thuốc làm trơn phân. Chú ý không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi. Nên dùng buổi tối trước khi đi ngủ, không dùng kéo dài vì gây rối loạn hấp thu mỡ và vitamin tan trong dầu. Hiện nay, người ta cũng có thể thay parafin bằng dầu thực vật (olive) an toàn hơn.

 

Không tự ý dùng thuốc trị táo bón 2Cần ăn nhiều chất xơ để phòng táo bón.
.
 

Polyoxye thyline glycol (microlax): thuốc tube dạng gel dùng để bơm vào hậu môn trước khi đi đại tiện 15 phút. Thuốc này không nên dùng kéo dài vì gây bỏng rát và có thể gây ra tổn thương ở niêm mạc do kích ứng.

Bisacodyl: viên tọa dược (thuốc đạn) hoặc viên uống. Là thuốc tổng hợp kích thích mạnh niêm mạc để tăng nhu động ruột giúp nhuận tràng. Không được dùng cho trẻ dưới 15 tuổi và phụ nữ có thai.

Sorbitol: giúp tăng lượng nước từ mô ruột và lòng ruột theo cơ chế thẩm thấu để làm phân nhão hơn. Thường dùng dạng gói 5g, uống trước khi ăn. Đây là thuốc hay dùng vì dễ uống.

Thuốc các muối của magie sulfat và sữa magie: có tác dụng nhuận tràng, tẩy. Không dùng kéo dài vì có thể gây ngộ độc magie.

Macrogol 4000 (polyethyline glycol: forlax - fortrans) là loại thuốc tẩy mạnh chỉ dùng cho người lớn.

Neostigmin: thuốc tiêm, chỉ dùng trong trường hợp bế tắc đại tiện sau mổ.

Tóm lại, để phòng ngừa táo bón cần ăn uống hợp lý, ăn nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ. Nhân dân ta có nhiều kinh nghiệm trong ẩm thực để chống táo bón như ăn khoai lang, rau cải, những loại thực phẩm tự nhiên có tính mát như thạch rong biển, rau câu... Cần vận động thường xuyên, tránh ngồi lâu, trì trệ. Chú ý uống nhiều nước. Nếu dùng một số loại thuốc điều trị bệnh mà bị táo bón thì phải tham khảo ý kiến thầy thuốc để điều chỉnh liều hoặc dùng thuốc phụ trợ.

ThS. Lê Anh