Thông tin & Sự kiện

Nhiễm HIV - Không còn là bản án tử hình

Ngày 18/12/2015 14:09

nhathuoctot.com

SKĐS - Việc bạn tình, vợ/chồng nhiễm HIV thì 99% quan niệm cho rằng người còn lại cũng sẽ bị lây nhiễm. Hơn nữa việc mang trong mình căn bệnh thế kỷ không khác gì “án tử” treo lơ lửng trên đầu.

Việc bạn tình, vợ/chồng nhiễm HIV thì 99% quan niệm cho rằng người còn lại cũng sẽ bị lây nhiễm. Hơn nữa việc mang trong mình căn bệnh thế kỷ không khác gì “án tử” treo lơ lửng trên đầu. Nhưng với sự phát triển của công nghệ y học ngày nay, với nhiều phương pháp điều trị hiệu quả, người nhiễm HIV không còn là người mang án tử hình cho  mình, cho bạn tình, cho vợ hay chồng mình như trường hợp của diễn viên Charlie Sheen.

Tin dữ từ Charlie Sheen

Thời gian gần đây, cả thế giới rúng động vì thông tin nam diễn viên người Mỹ, Charlie Sheen - người từng được đề cử giải Quả cầu vàng hai năm liên tiếp 2013 và 2014 -  nhiễm HIV. Mỗi ngày có hàng nghìn ca nhiễm HIV trên thế giới, tại sao việc Charlie Sheen công bố dương tính HIV lại gây chấn động dư luận? Nguyên nhân bởi, Charlie Sheen là diễn viên có tài nhưng đời sống riêng tư vô cùng phóng túng, có 2 đời vợ và 4 người con cùng rất nhiều người tình... Vậy bao nhiêu người đã lây nhiễm HIV từ Charlie? Dư luận không chỉ quan tâm đến nhân vật chính mà còn chú ý đến hai người vợ trước cùng các con của người đàn ông đào hoa này. Liệu vợ con họ có bị nhiễm bệnh sau thời gian chung sống? Công bố kết quả xét nghiệm khẳng định âm tính, tức không nhiễm HIV, các nhà nghiên cứu của Đại học UCLA (Mỹ), cho biết: “Hai người vợ của Charlie Sheen vẫn duy trì được tình trạng âm tính sau thời gian chung sống là hoàn toàn có thể. Với phương pháp điều trị hỗ trợ hiện nay và việc tuân thủ các phương pháp quan hệ tình dục an toàn thì việc bạn tình, vợ/chồng bị nhiễm HIV không còn là bản án tử hình”.

Charlie Sheen, diễn viên người Mỹ vừa công bố mình dương tính với HIV trên sóng tryền hình Today Show vào ngày 17/11/2015.

Nhiễm HIV không còn là một bản án tử hình

Quay lại những năm 1980, người nhiễm HIV thường phát triển một cách nhanh chóng đến giai đoạn AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch). Từ khi chuyển sang AIDS đến lúc chết chỉ vài tháng hoặc nhiều nhất là hai năm. Tuy nhiên, với sự ra đời của các thuốc ức chế HIV - AZT vào năm 1987 và sau đó là sự ra đời của hỗn hợp thuốc gồm ba loại thuốc kháng virut trong năm 1995, tương lai của người nhiễm HIV đã cải thiện đáng kể. Tuân thủ phác đồ điều trị ngay từ giai đoạn đầu có thể tăng cường cho hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và duy trì sức khỏe.

Charlie Sheen bắt đầu dùng thuốc kháng virut ngay sau khi được chẩn đoán nhiễm HIV và bây giờ mức độ HIV trong máu của Charlie rất thấp và gần như không thể phát hiện được. Theo Tiến sĩ Robert Huizenga, giáo sư về y học lâm sàng tại Đại học UCLA, Mỹ cho biết: “Những người nhiễm HIV có thể sống nhiều năm tới mức gần như không thể phát hiện virut trong máu của họ. Khi họ được chẩn đoán nhiễm HIV, ban đầu, họ phải đến gặp bác sĩ để điều trị thường xuyên, nhưng khi HIV được kiểm soát thì bốn năm một lần họ mới phải tới gặp bác sĩ và chỉ phải uống thuốc 1 lần/1 ngày so với thời kỳ mới phát hiện bệnh 2-3 lần/ngày”. Những người sống chung với HIV nếu có điều kiện sống tốt và tuân thủ điều trị tốt có thể có tuổi thọ như một người bình thường. Mặc dù trên thực tế họ có thể gặp một số vấn đề như lượng cholesterol cao, mật độ xương loãng, nguy cơ cao của bệnh động mạch vành...

Biện pháp phòng ngừa

HIV là bệnh lây nhiễm với tỷ lệ nhất định tương ứng từng hành vi nguy cơ cụ thể. Thống kê của Cơ quan Quản lý dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khả năng lây nhiễm HIV sau một lần có hành vi quan hệ tình dục không bảo vệ với người nhiễm HIV: qua đường âm đạo là 0,08% cho nữ và 0,04% cho nam, qua đường hậu môn có tỷ lệ lây cao hơn với 0,11% với người cho và 1,38% ở người nhận. Theo các chuyên gia, ước tính nguy cơ lây nhiễm HIV tích lũy sau 2 năm trên một cặp đôi bất xứng dị tính vào khoảng 15%. Nói cách khác một phụ nữ có chồng nhiễm HIV nếu duy trì đời sống tình dục bình thường thì nguy cơ bị lây bệnh khoảng 15% sau 2 năm chung sống.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều yếu tố làm thay đổi khả năng lây nhiễm HIV như tần suất quan hệ, thói quen sử dụng bao cao su, xuất tinh trong hay ngoài âm đạo, giai đoạn bệnh của người nhiễm, có mắc các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục khác không, đặc biệt là việc tuân thủ điều trị kháng virut bằng ARV ở người có HIV. Theo các nghiên cứu, điều trị bằng thuốc ARV đạt mục tiêu khống chế tải lượng virus giúp giảm nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục đến 96%.

Trên thực tế, một số người được cho là có miễn dịch tự nhiên với HIV, liên quan đến đột biến trên đồng thụ thể CCR5. Đột biến trên đồng thụ thể này khiến cho HIV không thể xâm nhập và gây bệnh cho tế bào đích Lympho T CD4. Do vậy những người mang đột biến này có đề kháng tự nhiên với HIV. Ước tính khoảng 10% người da trắng mang đột biến này.

Ngoài ra những người có nguy cơ tiếp xúc với virut, chẳng hạn sau khi bị rách bao cao su khi quan hệ tình dục với người nhiễm HIV có thể uống một viên thuốc sau phơi nhiễm để ngăn chặn lây nhiêm HIV. Thuốc này có hiệu quả trong vòng 36-72 giờ sau khi tiếp xúc.

Những người thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc như quan hệ tình dục với gái mại dâm hoặc dùng chung kim tiêm có thể sử dụng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PREP) để bảo vệ mình chống lại HIV ngay cả khi họ đang tiếp xúc. Những người sử dụng PREP uống một viên kháng virut mỗi ngày một lần gọi là Truvada.

Theo Tiến sĩ Rosenthal, Giám đốc Y tế Tại Trung tâm Thanh thiếu niên nhiễm HIV, (Mỹ): “Điều trị HIV đã dễ dàng hơn nhiều so với những năm trước đây nhưng nếu bạn có thể dùng một viên một ngày để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV thì đó là một quyết định rất khôn ngoan và chắc chắn vợ/chồng nhiễm HIV không còn là bản án tử hình cho người còn lại”.

(Theo Livescience, 11/2015)

Huệ Minh