Thông tin & Sự kiện

Vị thuốc từ con rết

Ngày 17/12/2015 10:07

nhathuoctot.com

Từ lâu con rết hay còn gọi là thiên long (rồng trời), vì có nhiều chân nên còn có tên là bách cước, bách túc. Theo YHCT, rết có vị cay, tính ấm, có độc, quy kinh can. Có tác dụng tắt phong, chỉ kinh (hết kinh giản) được dùng chữa nhiều bệnh.

Từ lâu con rết hay còn gọi là thiên long (rồng trời), vì có nhiều chân nên còn có tên là bách cước, bách túc. Tên vị thuốc trong YHCT là ngô công, tên khoa học (Scolopendra morsitans  L.). Ở nước ta, rết có ở hầu hết các vùng miền,  thường sống ở những nơi có nhiều mùn hoặc trong các khe đất, khe đá, khe gỗ mục, mái nhà...

Cách chế biến rết làm thuốc

- Dùng  ngoài, bắt các con rết có kích thước đủ lớn, cho vào chậu nước sạch khoảng  3 - 5 phút để rửa sạch mùn đất. Vớt ra cho vào một dụng cụ sạch, để một lúc cho ráo nước rồi cho vào một lọ thủy tinh đã có sẵn rượu cao độ (60 - 90% ethanol). Đậy nắp kín. Để nơi cao ráo. Sau một tháng, có thể dùng được.

- Dùng trong, cũng làm sạch theo cách trên, sau đó cho rết vào cái túi vải, buộc chặt đầu túi, ngâm vào nước sạch để giết rết. Đổ ra rổ cho ráo nước. Đem phơi khô hoặc sấy khô. Cần chú ý, khi sấy rết, nhiệt độ sấy phải bắt đầu từ nhiệt độ cao, khoảng 50oC để khỏi bị ôi thiu, sau đó nâng nhiệt độ lên dần cho đến khi khô hoàn toàn. Đối với rết làm thuốc, đặc biệt là rết đem xuất khẩu, cần tạo dáng cho vị thuốc bằng cách, trước khi sấy, người ta buộc rết vào một thanh tre dẹt mảnh để giữ cho thân thẳng, sau đó xếp đều vào các giàn sấy. Sấy đến khô.

- Trước khi dùng, người ta ngắt bỏ chân, đuôi và đầu rết, sao tới khi bên ngoài có mầu vàng, có mùi thơm, lấy ra,  tán mịn để dùng dưới dạng bột, hoặc phối hợp bột rết với bột hay nước sắc của các vị thuốc khác. Liều từ  0,5 - 1g/ngày.

Dùng rết chữa bệnh như thế nào?

Theo YHCT, rết có vị cay, tính ấm, có độc, quy kinh can. Có tác dụng tắt phong, chỉ kinh (hết kinh giản) được dùng trong các bệnh:

- Động kinh, điên giản, uốn ván, co giật, còn dùng trị đau dây thần kinh ở mặt: bột rết, bột toàn yết (bọ cạp), chu sa (chế theo cách thủy phi), đồng lượng, trộn đều, uống với nước ấm, ngày 3 lần, mỗi lần 0, 5 - 1g bột, uống sau bữa ăn 1 giờ, với nước ấm. Cũng có thể dùng bột rết với bột cam thảo, đồng lượng. Uống như trên, hoặc dùng 1g bột rết  uống với nước sắc của 20g phòng phong. Cách uống như trên.

- Trị viêm cột sống, dùng bột rết phối hợp với bột bọ cạp, đồng lượng. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 - 3g, với nước ấm, sau ăn 1 giờ.

-Chữa viêm tinh hoàn: Bột rết và bột nhục quế, lượng bằng nhau, trộn đều. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 0,5 - 1g  với nước ấm, sau bữa ăn 1 giờ.

Chữa trĩ ngoại: Lấy bột rết  0,5g, bột long não 0,2g, thêm 5ml rượu trắng (25 - 30%) để hòa tan long não và làm thành dạng dịch nhão với bột rết. Dùng hỗn dịch này bôi vào các múi trĩ.

- Chữa mụn nhọt, sưng đau: Dùng cồn rết chế ở trên, lấy tăm bông, chấm vào cồn rết, rồi chấm lên mụn nhọt, ngày nhiều lần. Mụn sẽ hết sưng đau, và nhanh khỏi.

- Đối với mụn nhọt đã vỡ loét (tràng nhạc - lao hạch), dùng bột rết và bột lá chè xanh đã sấy khô, tán bột mịn, đồng lượng, trộn đều. Trước khi rắc hỗn hợp bột này, dùng nước sắc cam thảo rửa sạch vết loét.

Kiêng kị: không dùng cho phụ nữ có thai và những trường hợp táo nhiệt, háo khát.

BS. Phạm Xuân Sinh