Thông tin & Sự kiện

Vắc-xin chủng ngừa vẫn rất có lợi

Ngày 03/08/2013 1:21

Mới đây, những ca tai biến sau chủng ngừa viêm gan B liên tiếp xảy ra khiến người dân hoang mang lo lắng. chúng tôi xin giới thiệu bài viết của PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức Về những lợi ích khi chủng ngừa để phụ huynh hiểu và có ứng xử thích hợp.

Dùng vắc-xin để phòng bệnh gọi chung là chủng ngừa hay tiêm ngừa, chích ngừa (do phải tiêm chích chứ không uống). Vắc-xin chủng ngừa là những chế phẩm sinh học (dùng mầm bệnh chết, sống hay một phần mầm bệnh) được dùng đưa vào cơ thể nhằm tạo ra những kháng thể đặc hiệu để khi nhiễm mầm bệnh thật, cơ thể có kháng thể sẽ chống trả và tiêu diệt được mầm bệnh. Thí dụ, chích ngừa viêm gan B (VGB) là cách thức tiêm vào cơ thể để đưa một phần của con siêu vi B là vỏ bên ngoài của nó (còn gọi là kháng nguyên HBsAg) vào trong cơ thể, phần vỏ này không có khả năng gây bệnh mà chỉ kích thích cơ thể sinh ra các kháng thể để khi cơ thể bị nhiễm siêu vi B thật sẽ chống lại và tiêu diệt siêu vi B thật.

Có rất ít vắc-xin tạo sự miễn dịch chủ động dùng trị bệnh (đây là hướng nghiên cứu bào chế vắc-xin trị ung thư, AIDS…), còn đa số là vắc-xin dùng để phòng bệnh. Cho đến nay chủng ngừa vẫn được xem là cách phòng bệnh rất hữu hiệu.

Trong bào chế vắc-xin, mầm bệnh có thể là các virút hoặc vi khuẩn sống, giảm độc lực, khi đưa vào cơ thể không gây bệnh hoặc gây bệnh rất nhẹ. Có 4 loại vắc-xin như sau:

Vắc-xin vi khuẩn: mầm bệnh là các vi khuẩn được nuôi cấy dưới những điều kiện đặc biệt nhằm làm vi khuẩn chết (vắc-xin ho gà), hoặc làm giảm đặc tính độc hại của vi khuẩn gọi là vi khuẩn giảm độc (vắc-xin lao).

Vắc-xin virút: mầm bệnh là các virút chết (vắc-xin dại, bại liệt), sống (vắc-xin sởi), vỏ virút (vắc-xin VGB).

Anatoxin (giải độc tố hay toxoid): là các độc tố trích từ các vi sinh vật (chính các độc tố này gây bệnh) và độc tố bị bất hoạt tức làm giảm độc tính (vắc-xin bạch hầu, uốn ván).

Vắc-xin hỗn hợp: chứa nhiều mầm bệnh nhằm giúp miễn dịch với nhiều bệnh, giúp  giảm thời gian và số lần tiêm chủng (ho gà, uốn ván, bạch hầu: DPT, 5 trong 1: DPT-VGB-Hib).

 

Vắc-xin chủng ngừa vẫn rất có lợi 1
 

 

 

Một số đặc điểm của vắc-xin

- Tính đặc hiệu: một vắc-xin phòng một bệnh. Như khi chủng ngừa VGB, kháng thể được sinh ra chỉ nhận diện và chống lại siêu vi B chứ không thể chống lại các siêu vi gây viêm gan khác là siêu vi A và siêu vi C... (nên lưu ý đã có thuốc chủng ngừa VGA và VGB nhưng chưa có thuốc chủng ngừa VGC). 

- Tạo miễn dịch sau một thời gian, tức chỉ có tác dụng phòng bệnh sau khi chủng ngừa một khoảng thời gian nào đó, thông thường là 2 tuần.

- Đa số chỉ phòng bệnh tức không trị bệnh (chỉ ngăn được dịch nếu chủng ngừa cho 70 - 85% dân số)

- Nhiều không tiêm một lần mà cần tiêm nhắc lại.

- Cần được bảo quản ở môi trường thích hợp: thông thường phải bảo quản ở nhiệt độ mát, lạnh (4 - 80C, không phải để ở ngăn đá của tủ lạnh). Nhiều vắc-xin có đặt chỉ thị nhiệt độ ở bao bì để theo dõi nhiệt độ bảo quản, không sử dụng nếu chỉ thị cho biết nhiệt độ bảo quản không đúng. Tai biến có thể xảy ra nếu vắc-xin không được bảo quản tốt.

- Chống chỉ định tức không chủng ngừa ở các đối tượng: bị dị ứng, sốt, phụ nữ có thai, cho con bú, lao, đái tháo đường, giảm miễn dịch…

Tai biến khi dùng vắc-xin

Có hai loại tai biến: nhiễm bệnh và các bệnh miễn dịch sau khi chủng ngừa.

Nhiễm bệnh sau khi chủng ngừa:

Vắc-xin sống, giảm độc lực có thể gây bệnh cho người bị suy giảm miễn dịch, hoặc một mầm bệnh bị làm giảm độc lực tìm lại được độc tính của mình và gây bệnh. Như nguy cơ nhiễm bệnh ở vắc-xin ngừa bại liệt là 10-7, nghĩa là cứ 10 triệu trẻ em uống vắc-xin Sabin thì có 1 em bị tai nạn loại này. Điều không may này không ngăn cản được việc sử dụng vắc-xin này bởi lẽ tỉ lệ đó được xem là chấp nhận được.

Đặc biệt, có nguy cơ nhiễm các tác nhân gây bệnh khác nhiễm vào trong chế phẩm vắc-xin. Điều này bắt buộc quy trình sản xuất, bảo quản và sử dụng vắc-xin phải hết sức chặt chẽ.

Bị bệnh miễn dịch sau khi chủng ngừa:

Vắc-xin ngừa ho gà có thể gây sốc phản vệ kèm di chứng thần kinh với xác suất 10-4 - 10-6. Việc tinh lọc vắc-xin này làm tăng mức an toàn để tránh bệnh miễn dịch như vừa nêu nhưng có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin.

Lời khuyên của thầy thuốc

Có thể nói vắc-xin là một thành tựu rất to lớn của trí tuệ con người. Nhờ có vắc-xin mà con người đã thanh toán một số bệnh hiểm nghèo như đậu mùa, bại liệt…, giảm mạnh số mắc và số chết do các bệnh nhiễm trùng trên toàn cầu. Dù có thể gây ra các tai biến nhưng cho đến nay vắc-xin vẫn được xem là biện pháp hiệu quả phòng bệnh trong cộng đồng, bảo vệ trẻ không mắc các bệnh truyền nhiễm. Vì sức khỏe trẻ thơ, các bậc phụ huynh nên tiếp tục cho con em mình chủng ngừa các vắc-xin theo tiêm chủng mở rộng của ngành Y tế đề ra.

 

Cần làm gì khi cho trẻ chủng ngừa?

Khi đưa trẻ đi chủng hoặc tiêm ngừa, các bậc phụ huynh nên đọc kỹ hướng dẫn và “Quy định về tiêm chủng” tại các điểm chủng ngừa. Phụ huynh nên đối chiếu các điểm trong quy định này với việc thực hiện chủng ngừa của cán bộ y tế. Chỉ cho con em mình tiêm khi thấy cán bộ y tế thực hiện đúng “Quy định về tiêm chủng”. Các bậc phụ huynh cũng nên yêu cầu cán bộ y tế thông báo rõ chủng loại, hạn dùng của vắc-xin và hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm.

Phụ huynh cần báo cho cán bộ y tế rõ tình trạng sức khỏe của trẻ như trẻ bị sốt, đang bị bệnh, sinh non, tiền sử dị ứng thuốc (đặc biệt là các thuốc tiêm ngừa) và các bệnh lý mà trẻ đã mắc trước đây…

Vấn đề quan trọng sau khi tiêm vắc-xin là cha mẹ cần theo dõi trẻ ít nhất 30 phút ngay tại cơ sở tiêm ngừa, nếu thắc mắc gì thì hỏi ngay cán bộ y tế để được hướng dẫn cụ thể và sau đó theo dõi trẻ sát sao tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.

Phản ứng sau chủng ngừa

Sau chích ngừa vắc-xin, phản ứng nhẹ tại chỗ thường gặp sau khi tiêm chích là sưng, nóng đỏ, đau chỗ tiêm. Nếu trẻ có một trong các dấu hiệu tại chỗ hoặc toàn thân nhẹ thì chườm lạnh chỗ tiêm, dùng thuốc giảm đau - hạ sốt khi có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, trẻ có thể bị phản ứng toàn thân như sốt, cảm giác khó chịu, bị kích thích… Những phản ứng nặng nơn là trẻ khóc thét bất thường và dai đẳng, sốt cao trên 400C, co giật, tím tái, khó thở, ngưng tim, ngưng thở… Nhưng nếu trẻ có dấu hiệu nặng, phải lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ, cấp cứu.

  

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC