Thông tin & Sự kiện

Trào ngược dạ dày, thực quản - Vì sao?

Ngày 26/05/2015 19:06

Khi dịch vị trào ngược sẽ gây kích thích niêm mạc thực quản do các chất có trong dịch vị như: axít chlohydric, pepsin, dịch mật. Nếu bị kích thích kéo dài có thể gây tổn thương niêm mạch thực quản.

nhathuoctot.com

Trào ngược dạ dày - thực quản (TNDD- TQ) là tập hợp nhiều triệu chứng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, người trên 40 tuổi có tỉ lệ cao hơn và nữ giới nhiều hơn nam giới. TNDD-TQ là hiện tượng trào dịch vị hoặc thức ăn trộn lẫn với dịch vị từ dạ dày lên theo đường thực quản.

Bệnh TNDD-TQ đã biết khoảng vài chục năm nay nhưng ở nước ta được quan tâm tới nó mới vài năm gần đây. Bình thường một số người cũng có xuất hiện hội chứng TNDD-TQ nhưng chỉ thoáng qua, không gây nên hậu quả gì, nhưng nếu xảy ra với thời gian dài sẽ có nhiều hậu quả xấu như: viêm và biến chứng.

Khi dịch vị trào ngược sẽ gây kích thích niêm mạc thực quản do các chất có trong dịch vị như: axít chlohydric, pepsin, dịch mật. Nếu bị kích thích kéo dài có thể gây tổn thương niêm mạch thực quản.

Nguyên nhân

Cho đến nay chưa có bằng chứng cụ thể về nguyên nhân gây hội chứng TNDD-TQ nhưng có một số yếu tố thuận lợi làm cho hội chứng này xuất hiện. Có thể do gen, vì qua tổng kết cho thấy ở một số gia đình có nhiều người cùng mắc chứng TNDD-TQ. Động tác co thắt thực quản chủ yếu là do hệ thống cơ thắt dưới thực quản đảm đương chủ yếu (phía trong là cơ tròn, phía ngoài là cơ vân) làm cho thực quản co bóp nhịp nhàng, mỗi khi nuốt thì chúng giãn ra, hết nuốt là chúng co lại và đóng kín để không cho dịch vị và thức ăn ở dạ dày trào ngược lên. Khi hệ thống cơ này bị rối loạn do tác động cơ học như: viêm, loét, u, đặt ống thông dạ dày hoặc do rối loạn hệ thần kinh thực vật thì sẽ xuất hiện hội chứng trào ngược. TNDD-TQ cũng có thể do thoát vị hoành, bệnh xơ cứng bì. Một số loại thức ăn hàng ngày nếu kéo dài và lặp lại nhiều lần cũng có thể gây nên hội chứng TNDD-TQ như: thức ăn có nhiều mỡ, nhiều gia vị, nhất là các loại gia vị cay nhiều (ớt, hạt tiêu, bồ tạt), hành, bạc hà hoặc một số thực phẩm có khả năng làm giảm trương lực cơ trơn như: caffein, sôcôla, nước giải khát có gas. Một số người ăn quá nhiều các loại gia vị này làm cho rối loạn co bóp của thực quản, dạ dày và các hệ thống tiêu hóa khác.

Người ta thấy có những trường hợp béo phì, ít vận động hoặc ăn xong là nằm ngay gây khó khăn cho việc dạ dày nhào trộn thức ăn cũng gây nên hội chứng TNDD-TQ. Những người uống nhiều bia, rượu hoặc nghiện thuốc lá cũng có nguy cơ cao mắc chứng TNDD-TQ. Bởi vì rượu, bia hoặc chất nicôtin đều có tác động mạnh vào niêm mạc thực quản, dạ dày gây viêm và gây tăng tiết dịch vị (dạ dày). Ngoài các yếu tố trên thì TNDD-TQ có thể gặp ở những người do dùng một số thuốc để điều trị một bệnh nào đó như thuốc an thần, thuốc chẹn kênh canxi trong điều trị bệnh tăng huyết áp.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để đạt được hiệu quả cao trong điều trị nội khoa, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị (đơn thuốc và tư vấn), tuyệt đối không tự chẩn đoán bệnh cho mình hoặc tự mua thuốc để điều trị bất luận là thuốc tây y hay thuốc nam, đông y.

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU