BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM cho biết, chiến dịch tiêm vét sởi của TPHCM hướng đến mục tiêu tiêm 95.000 liều vắc xin sởi mũi 1 và 2 cho trẻ toàn thành phố đang chậm tiến độ dù đã trải qua gần một nửa thời gan. Cụ thể, đến nay, chỉ mới có khoảng 32 ngàn mũi tiêm vắc xin sởi, đạt khoảng 35% số trẻ cần tiêm của mục tiêu ban đầu trong khi chỉ còn 5 tuần nữa là kết thúc thời gian theo kế hoạch (chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 36 tháng tuổi tại 24 quận huyện, bắt đầu từ 7/3 đến 29/4)
Nhiều bệnh nhi nhập viện vì sởi.
Trước tình hình này, để tăng số trẻ và đạt được chỉ tiêu đề ra của chiến dịch tiêm phòng sởi, ngoài các biện pháp về chuyên môn, kỹ thuật để tăng cường, sàng lọc đối tượng trẻ cần tiêm chủng, tăng công suất ở các điểm tiêm thì, trong thời gian còn lại của chiến dịch, TTYTDP TPHCM cũng yêu cầu các địa phương phải làm tốt công tác truyền thông, với trọng tâm làm sao cho người dân biết đối tượng cần tiêm và ngày giờ tiêm. Có thể tổ chức xe truyền thông và phát tờ rơi đến tận các nhà, khu phố và trường học, phát loa kêu gọi phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng.
Được biết, từ đầu năm đến nay, tại TPHCM đã có hơn 600 ca sởi nhập viện và xảy ra ở tất cả 24 quận huyện. Đáng chú ý, nếu như 90% ca mắc sởi của năm 2013 rơi vào đối tượng trẻ dưới 3 tuổi, thì năm 2014, bệnh sởi đã xuất hiện ở những lứa tuổi lớn hơn với 90% số ca mắc là trẻ dưới 10 tuổi.
Trong khi đó, báo cáo của các đơn vị cho Sở Y tế TP về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, viêm da tiếp xúc cũng cho thấy nhiều dịch bệnh cũng đang bắt đầu gia tăng. “Nóng” nhất là thủy đậu với hơn 369 ca nhập viện từ đầu năm đến nay. Cao hơn khoảng 200% so với cùng kỳ năm 2013. Bệnh TCM có gần 1900 ca, tăng gần 30% so với cùng kỳ và tăng ở hầu hết các quận huyện. Riêng sốt xuất huyết (SXH), tuy đang là mùa khô nhưng vẫn có mức tăng hơn 26% so với thời điểm này năm ngoái. Hiện đã có trên 2185 ca SXH phải nhập viện và 1 ca tử vong. Đáng lo, không chỉ một số quận huyện ngoại thành như quận 6, Thủ Đức, Bình Chánh… có số ca tăng đột biến đến mức cảnh báo mà ở trung tâm như Quận, SXH cũng tăng cao bất thường.
Các chuyên gia y tế dự báo các bệnh trên sẽ tiếp tục gia tăng trong tháng 4, do vậy, công tác phòng dịch, vệ sinh, khử khuẩn tại các khu dân cư, nhà trọ, trường học… được khuyến cáo phải thực hiện thường xuyên dưới sự giám sát chặt chẽ của ngành y tế các quận huyện để ngăn ngừa các loại dịch bệnh lây lan rộng và có thể bùng phát khi bước vào đỉnh dịch.
Tin ảnh: Tuân Nguyễn