Bệnh rụng tóc từng vùng (Pelade), đặc trưng là những đám tóc rụng hình tròn, hình oval ở da đầu hoặc rụng lông ở những nơi khác như râu, lông mày... được xếp vào nhóm bệnh tự miễn và có tỉ lệ mắc bệnh khá cao, khoảng 1,7% dân số trong đời có bị rụng tóc vùng. Bệnh gặp cả ở hai giới, mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở người trẻ tuổi khoảng từ 15 - 45 tuổi, rất hiếm gặp ở người già và hầu như không gặp ở trẻ nhỏ. Vậy có cách nào để trị bệnh này?
Sự thiếu vitamin, khoáng chất và hormon làm ảnh hưởng đến việc rụng tóc
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình mọc tóc như yếu tố nuôi dưỡng, thần kinh, mạch máu, hormon. Sự nuôi dưỡng kém sẽ dẫn đến rụng tóc rất nhanh, dẫn đến sự mất sắc tố của tóc và lông, sự tổng hợp các protein và ADN ở nang lông bị chậm lại. Các acid amin chứa lưu huỳnh như cysteine, cystine, methionine rất cần thiết cho sự sinh trưởng của tóc. Khi bị rụng tóc vùng, người ta thấy có sự rối loạn chuyển hóa đồng và kẽm, kẽm trong huyết thanh bệnh nhân giảm rõ rệt. Một số vitamin cũng rất cần thiết cho sự sinh trưởng của tóc gồm vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B nhất là B5 (acid pantothenic), biotin (vitamin H).
Yếu tố thần kinh được nhấn mạnh bởi những quan sát lâm sàng có rụng tóc đi kèm với rối loạn thần kinh trung ương hoặc hệ thần kinh thực vật hoặc sốc thần kinh và các tổn thương thần kinh khác như bệnh nhân bị stress tâm lý nặng có thể rụng tóc nhanh chóng trong một thời gian ngắn.
Sự cung cấp máu được coi như một yếu tố quan trọng trong việc điều trị những thể khác nhau của rụng tóc vùng. Tóc sẽ không mọc nếu không có sự cung cấp máu đầy đủ cho chuyển hóa cơ bản ở nang lông ngược lại không có nghĩa là tóc sẽ mọc dầy hơn trong những vùng da có mạch máu nhiều hơn.
Hệ thống nội tiết giữ một phần quan trọng trong sự phát triển, phân bố, tạo sắc tố của tóc ở người. Khi mang thai do sự tăng tiết của tuyến yên, tuyến thượng thận, buồng trứng, thể vàng, rau thai dẫn đến tăng sự sinh trưởng của lông. Trong cả hai giới, tuổi già kéo theo sự rụng tóc và lông lan tỏa và đôi khi được thay thế bởi lông tơ. Sự tăng hormon androgen có thể gây bạc tóc và rụng tóc kiểu nội tiết tố nam (androgenetic). Hormon nam cơ bản ảnh hưởng đến tóc và lông là testosterone.
Các progesterone và progestatif cũng có ảnh hưởng đến lông và tóc vì người ta thấy trong quá trình mang thai có tăng mọc tóc. Các hormon tuyến giáp cũng có tác dụng lên chuyển hóa của nang lông. Điều này được thể hiện rõ trong các trường hợp thiểu năng tuyến giáp hoặc cắt bỏ tuyến giáp thì tóc, lông mày, lông nách, lông mu mọc thưa, khô và gãy. Một số tác giả coi các ổ nhiễm khuẩn đặc biệt ở răng, amidan, tai như một yếu tố ngòi nổ cho rụng tóc vùng.
Bệnh rụng tóc vùng có một số lượng lớn nang tóc thoái hóa được tìm thấy ở vùng trung tâm và vùng này lan rộng theo hướng ly tâm, tóc thoái triển rất nhanh từ pha phát triển sang pha quá độ, tiếp đó đến pha ngừng. Ở giai đoạn đầu có thâm nhiễm lympho, tổ chức bào xung quanh nang lông nhú bì, lympho T chiếm 90%. Các tổn thương cũ mất đi hành tóc chỉ còn dưới dạng xơ cứng trung bì thâm nhiễm các đại thực bào hắc tố và bao xung quanh bởi chất hyalin, các tế bào sắc tố và hạt sắc tố ra khỏi hành tóc và di cư đến nhú bì. Trong trường hợp bệnh kéo dài số lượng của nang lông có thể giảm và hoạt động của tuyến bã giảm xuống.
Điều trị như thế nào?
Mục đích điều trị là kích thích miễn dịch, điều hòa miễn dịch tại chỗ và toàn thân, kích thích mọc tóc và ngăn ngừa các yếu tố khởi động bệnh (bổ sung các yếu tố vi lượng, chống ổ nhiễm khuẩn, tránh stress...). Cụ thể:
Điều trị tại chỗ bằng cách gây sung huyết da
Làm sung huyết bởi kích thích tại chỗ, được hay dùng để điều trị Pelade khu trú là acid acetic trong dung dịch hoffmann, dầu cade trong vaseline, tuyết carbonic, anthraline 0,1%; 0,25%; 0,5%, 1% dưới dạng kem bôi 1 lần/ngày cho tới khi đạt được triệu chứng viêm da sẽ cho kết quả tốt trong điều trị Pelade nặng.
Corticoid liệu pháp
Corticoid đường toàn thân liều cao làm mọc tóc, nhưng sự mọc tóc này có nguy cơ rụng lại và rụng nhanh khi giảm liều và thuốc có rất nhiều tác dụng phụ toàn thân trong trường hợp sử dụng kéo dài. Nó chỉ được chỉ định trong các trường hợp ngoại lệ (sự thất bại của các phương pháp điều trị khác, ảnh hưởng tâm lý nặng nề). Do đó, thuốc ít được chỉ định.
Corticoid tại chỗ rồi băng kín hoặc bôi 2 lần/ngày. Kết quả thường thất bại trong những trường hợp lan rộng.
Tiêm dưới tổn thương triamcinolone acetonide có thể có hiệu quả trong những trường hợp khu trú. Điều trị bằng phương pháp này cần phải nhắc lại hằng tháng vì vậy có những tác dụng phụ không tránh khỏi (teo trung, thượng bì) và có nguy cơ bị mù trong những ca tiêm ở vùng thái dương và trán.
Liệu pháp miễn dịch
Dùng thuốc tại chỗ dinitrochlorobenzene với mục đích gây viêm da tiếp xúc, kích thích miễn dịch tại chỗ mặc dù có hiệu quả và tiện lợi nhưng cần thận trọng vì có thể gây ung thư mạnh. Squaric acid dibutylester tùy theo tuổi áp 3-4 lần/tuần cho đến ban đỏ rõ nhưng không gây phỏng nước…
Nickel sulfate 0,1-1% trong dầu; Diphencyprone, diphenylcyclopronanone (DPCN).
Dùng đường toàn thân: Cyclosporine A: Là một chất ức chế miễn dịch (ức chế TCD4) nếu dùng dạng bôi tại chỗ (dung dịch dầu 5% 2 lần / ngày trong 6 tháng) hiệu quả không tốt trong thực nghiệm cũng như trong nghiên cứu lâm sàng, nếu dạng uống phải dùng liều cao.
Minoxidil
Minoxidil là một chất gây giãn mạch máu ngoại vi, kích thích mọc tóc, đặc biệt tóc do hói. Thường dùng dung dịch 1-2%. Trong phần lớn các nghiên cứu, minoxidil có kết quả có ý nghĩa hơn so với placebo. Sự mọc tóc tơ xảy ra ở các thời hạn khác nhau (1 tháng đến 1 năm, trung bình 2-3 tháng).
Cơ chế tác dụng của minoxidil còn được biết rất ít, có lẽ nhiều yếu tố. Đến nay, người ta thấy minoxidil có đặc tính điều hòa miễn dịch (giảm có ý nghĩa cường độ thâm nhiễm viêm quanh nang lông và trong ống nghiệm có ức chế lympho trong tổ chức được kích thích), có tác dụng “dạng kích thích sinh trưởng thượng bì (EGF)” với hiệu quả tương đối đặc hiệu với nang lông và gây giãn mạch tại chỗ cũng được chỉ ra nhờ những nghiên cứu đo thể tích và đo thay đổi bằng laser doppler.
PUVA (Psoralene + Ultraviolet A): Ý tưởng đưa PUVA trị liệu vào điều trị Pelade đầu tiên dựa trên sự ghi nhận tăng lông tóc ở một số bệnh nhân vảy nến được điều trị bằng PUVA. Một số nghiên cứu cho thấy, với sự mọc lại tóc hơn 50% trường hợp. Liều toàn thể UVA cần thiết cho mọc tóc rất khác nhau (từ 135 - 550 J/cm2). Trong một nghiên cứu, sự mọc tóc tơ được ghi nhận sau 30 lần chiếu, sự mọc tóc toàn bộ cần 50 lần chiếu.
PGS.TS. Đặng Văn Em