Ðược đưa vào sử dụng từ năm 1893, nhưng cho đến nay, paracetamol vẫn là một loại thuốc hạ sốt giảm đau được dùng phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc dùng paracetamol như thế nào cho an toàn để không gây ra nhiễm độc gan thì không phải ai cũng biết.
Loại thuốc phổ biến
Hiện có rất nhiều loại chế phẩm chứa hoạt chất paracetamol với những hàm lượng pha chế và chỉ định dùng khác nhau, phổ biến nhất là trong các loại thuốc chữa cảm cúm, các thuốc giảm đau phối hợp với dẫn xuất thuốc phiện. Tác dụng chống viêm của paracetamol (còn có tên gọi khác là acetaminophen) kém hơn so với các thuốc chống viêm giảm đau không steroid như ibuprofen, diclofenac…, nhưng tác dụng hạ sốt, giảm đau là tương đối tốt và ít gây tác dụng phụ.
Paracetamol khá an toàn và được dung nạp tốt khi dùng ở liều thông thường. Tuy nhiên, khi dùng ở liều cao, paracetamol có thể gây nhiễm độc tại gan. Ở nhiều nơi trên thế giới, paracetamol hiện vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các trường hợp nhiễm độc gan và suy gan cấp. Năm 2006, cả nước Mỹ có gần 140.000 trường hợp ngộ độc paracetamol được ghi nhận, trong đó, hơn 100 người đã tử vong.
Liều thông thường của paracetamol được khuyến cáo ở người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi là 325-650mg uống hoặc đặt hậu môn mỗi 4-6 giờ hoặc 1.000mg x 3-4 lần mỗi ngày, tối đa hằng ngày không dùng quá 4g. Với đối tượng có nhiều nguy cơ nhiễm độc gan như nghiện rượu, suy dinh dưỡng, đang dùng nhiều loại thuốc..., liều tối đa hằng ngày của paracetamol được khuyến cáo không vượt quá 2g. Trẻ em dưới 12 tuổi, liều paracetamol được khuyến cáo là 10-15mg/kg uống hoặc đặt hậu môn mỗi 4-6 giờ, tối đa không vượt quá 5 lần dùng mỗi ngày. Trẻ em dưới 2 tuổi hoặc cân nặng nhỏ hơn 11kg nên dùng paracetamol theo chỉ định của thầy thuốc.
Cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của thầy thuốc để tránh nguy cơ nhiễm độc gan do dùng paracetamol.
|
Hiểu biết đầy đủ về thuốc để tránh nguy cơ
Trường hợp nhiễm độc gan liên quan đến paracetamol có thể là do chủ ý (tức là dùng thuốc tự sát) hoặc ngoài ý muốn (do dùng thuốc điều trị nhưng quá liều), trong đó, hơn 50% các trường hợp là nhiễm độc ngoài ý muốn. Trường hợp quá liều ngoài ý muốn hoặc “rủi ro điều trị” thường gặp nhất gây ra do dùng đồng thời nhiều loại thuốc có chứa paracetamol, đặc biệt là các chế phẩm giảm đau phối hợp paracetamol với các dẫn xuất thuốc phiện hoặc do tự ý tăng liều thuốc vì chưa nhận thức được nguy cơ gây độc gan của paracetamol.
Theo thống kê của Cục Quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ, trong số các bệnh nhân bị quá liều paracetamol ngoài ý muốn, 25% là do dùng đồng thời nhiều loại thuốc có chứa paracetamol, 1/3 các trường hợp có dùng đồng thời các thuốc giảm đau phối hợp giữa paracetamol với dẫn xuất thuốc phiện và các thuốc khác cũng có chứa paracetamol. Một số bệnh nhân có thể không biết mình đang sử dụng các loại thuốc có chứa paracetamol, do nhiều loại trong đó ghi thành phần paracetamol không rõ ràng trên vỏ thuốc, như ghi dưới tên acetaminophen hoặc viết tắt tên thuốc (như APAP).
Các thuốc chứa paracetamol ở trẻ em được bào chế với nhiều loại hàm lượng khác nhau, điều này có thể gây nhầm lẫn dẫn đến dùng quá liều nếu các bậc cha mẹ chủ quan không xem kỹ hướng dẫn sử dụng. Bên cạnh đó, người bệnh không đủ khả năng nhận thức để có thể hiểu và tính toán được tổng liều tối đa hằng ngày của paracetamol dựa trên các thông tin ghi trên lọ thuốc hoặc đơn thuốc cũng là một nguyên nhân dẫn đến dùng quá liều thuốc.
Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời các biểu hiện của nhiễm độc gan do paracetamol có thể giúp ngăn ngừa các tổn thương gan nặng và giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, trong thực tế, các triệu chứng của tổn thương gan cấp tính do paracetamol có thể biểu hiện không đặc hiệu và thường chỉ rõ rệt sau dùng thuốc vài ngày. Giai đoạn đầu nhiễm độc thường xảy ra sớm sau dùng thuốc và kéo dài 12-24 giờ với các biểu hiện như buồn nôn, chán ăn, vã mồ hôi, da tái nhợt.
Trong giai đoạn sau đó, các triệu chứng trên bắt đầu giảm dần nhưng các chỉ số xét nghiệm men gan bắt đầu tăng lên, người bệnh có thể đau vùng hạ sườn phải, các xét nghiệm chức năng gan bắt đầu có biến loạn. Tình trạng suy thận có thể xuất hiện do paracetamol gây hoại tử ống thận. Sau dùng thuốc 3-5 ngày, nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể chuyển sang giai đoạn suy gan nặng do hoại tử tế bào gan.
Để giảm bớt nguy cơ nhiễm độc gan do paracetamol, một số quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ đã đưa ra điều luật hạn chế số lượng viên thuốc có chứa paracetamol trong các vỉ thuốc bán không cần đơn. Một số ý kiến cũng đã kiến nghị việc giảm mức liều tối đa cho phép hằng ngày của paracetamol, có thể xuống 3,25g mỗi ngày ở người trưởng thành.
BS. Nguyễn Hữu Trường