Thông tin & Sự kiện

NHỮNG “TỈ PHÚ THỜI GIAN” Vì sao có nhiều “tỉ phú thời gian”?

Ngày 05/12/2015 11:29

nhathuoctot.com

TT - Nhịp sống trẻ xin giới thiệu ý kiến của một bạn đọc đã qua “thời tuổi trẻ chỉ có một” và ba bạn đọc trẻ về chuyện vì sao ngày càng có nhiều “tỉ phú thời gian”.

 

Trần Thanh Lâm, sinh viên năm 1 Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, làm thêm cho một quán ăn ở khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đây cũng là lựa chọn đáng trân trọng của những bạn trẻ biết quý trọng thời gian - Ảnh: Hữu Khoa
Trần Thanh Lâm, sinh viên năm 1 Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, làm thêm cho một quán ăn ở khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Đây cũng là lựa chọn đáng trân trọng của những bạn trẻ biết quý trọng thời gian - Ảnh: Hữu Khoa

Thời nay vào đại học dễ quá!

Theo tôi, việc có nhiều “tỉ phú thời gian” có mấy lý do sau:

- Người trẻ không được dạy về mục tiêu của cuộc sống: cơ bản đó là việc được dạy phải chọn cho mình một công việc, một nghề nghiệp để sống. Một nghề nghiệp không nhất thiết phải là cánh cửa đại học.

- Không có sự phân công của xã hội: hiệu quả của việc phân luồng học sinh hiện nay còn quá thấp. Thời của tôi ngày trước, học sinh dễ biết “mình là ai” trong xã hội để phải theo đuổi nghề nghiệp gì, cấp độ nào để quy cho cùng cũng là tìm việc phù hợp nuôi thân.

- Thời nay vào đại học quá dễ, đây có thể xem như lý do chính: gần như ai cũng có thể vào đại học, không công lập thì cứ vào đại học tư... Dĩ nhiên cánh cổng đại học rộng mở như vậy nên chẳng ai “khoái” đi học nghề để làm công nhân cả.

Nhưng học ở trung học lơ mơ vẫn lên lớp đều đặn, tốt nghiệp hàng loạt và vào đại học cũng hàng loạt. Đại học nhiều nơi cũng đọc chép lơ mơ...

Thậm chí còn chuyện thi giùm, học giùm, điểm danh giùm... Còn cố học lấy bằng tốt nghiệp thì lạm phát kỹ sư và cử nhân trong khi học lơ ngơ làm sao chen chân vào các công ty lớn, đã có đại học làm sao “xuống” làm công nhân hay bán hàng được.

Thế là người có “bằng đại học” chán đời đi vào con đường nhậu nhẹt hay sống ảo trên mạng và trở thành tỉ phú thời gian.

Năm 1980, với bằng kỹ sư nông nghiệp tôi đã thất bại sau chín năm theo đuổi nghề. Nhưng với mục tiêu được giáo dục từ nhỏ là phải có việc làm, tôi đi dạy kèm tiếng Anh, học thêm một bằng đại học để chuyển sang một nghề nghiệp mới dù khi có việc làm chính thức tôi đã ngoài 30.

Tôi chỉ tiếc mình chọn lầm nghề thuở đầu nhưng không bao giờ ân hận khi chưa hề hoài phí tuổi xuân của mình.

Muốn không còn “tỉ phú thời gian”, muốn mất đi vị trí “tiêu thụ bia số 1”, các nhà giáo dục, xã hội cùng theo dõi dư luận trên báo chí mà ngồi lại đề ra một chương trình giáo dục hợp lý, thi cử có tính chọn lọc nhân tài thì vô hình trung tạo ra sự phân công của xã hội.

Bởi người trẻ biết học nên cần gì, học gì và mục tiêu đời họ là gì. Tôi không sợ đường dài mà chỉ sợ không biết mình đang đi đâu. Những người lớn hãy giúp đỡ họ!

NGUYỄN NGỌC HÀ 

Mình là ai trong xã hội?

Là một người trẻ đang giảng dạy tại một trường THCS và cũng là người làm trong lĩnh vực truyền thông, đôi khi áp lực công việc nhiều đến mức khiến tôi phải ao ước giá như một ngày không phải là 24 mà là 25, 26 tiếng thì hay biết mấy. Tất nhiên điều đó là không thể.

Tôi thấy không chỉ những bạn trẻ nhà có điều kiện mới phung phí quỹ thời gian, mà cả nhiều bạn gia cảnh khó khăn nhưng đã dần dà làm quen với thói “thích hưởng thụ” từ nhỏ.

Tôi cũng xuất phát điểm từ một gia đình thuộc diện hộ nghèo, thậm chí có lúc đã tiêu pha, ăn chơi vào những việc vô bổ khiến gia đình rơi vào cảnh điêu đứng.

Nhưng bước ngoặt chỉ đến với tôi năm lớp 12, các thầy cô hướng nghiệp đã định hướng công việc tương lai cho học sinh cuối cấp chúng tôi rất tận tình.

Thật sự tôi đã “tỉnh ngủ” sau một cơn mê dài. Tôi nhận thức được vị trí của mình ở đâu trong xã hội. Chắc chắn là một vị trí rất thấp nếu không muốn gọi là “dưới đáy” của xã hội.

Suy cho cùng, mỗi bạn trẻ đều có trong tay mình một cái gọi là “bánh thời gian”, họ muốn cắt xẻ, sử dụng thế nào là quyền của họ.

Có những bạn biếng nhác, không chịu chế biến chiếc bánh này ngon hơn nên chỉ thưởng thức một cách qua loa, phung phí.

Ngược lại, có bạn lại chế biến và phân chia chiếc bánh thành nhiều phần, với nhiều mùi vị khác nhau để sử dụng và kinh doanh thu lại lợi nhuận.

LÊ ĐỨC BẢO (Nha Trang)

“Kẻ ngông cuồng nhất”?

Ông Benjamin Franklin - chính trị gia người Mỹ - từng nói rằng: “Nếu thời gian là thứ đáng quý nhất thì phí phạm thời gian hẳn là sự lãng phí ngông cuồng nhất”. Vậy có rất nhiều người trẻ đã và đang bị biến thành những kẻ “ngông cuồng nhất”? 

Có thể nói gia đình chính là yếu tố quan trọng nhất tạo ra những “tỉ phú thời gian”. Bởi đa số người trẻ có thái độ hờ hững với thời gian đều được bao bọc quá kỹ lưỡng.

Người xưa thường nói đường nhiều cỏ nhưng đi mãi sẽ mòn. Bảo bọc quá kỹ lại vô tình tạo ra lớp vỏ bọc quá lớn khiến người trẻ trở nên thờ ơ với cuộc sống xung quanh, thậm chí thờ ơ với chính bản thân mình. 

Mỗi người đều có 24 tiếng mỗi ngày nhưng sử dụng thời gian đó như thế nào mới quan trọng. Và cách sử dụng thời gian chính là chìa khóa quyết định người thành công, kẻ thất bại trong cuộc sống. Các “tỉ phú thời gian” ngay bây giờ hãy đứng lên, mở cửa bước ra ngoài học hành, làm việc hay tham gia một hoạt động xã hội nào đó thật nhiệt tình rồi sẽ thấy mình là kẻ nghèo nàn về thời gian!

Luôn nghĩ rằng “Một tuần chỉ có bảy ngày”, đừng bao giờ nghĩ “Một tuần có đến bảy ngày” rồi cuộc sống sẽ không còn nhàm chán nữa! 

KIM THANH

Hơn thua là ở số phận?

Ngay từ năm thứ hai đại học, đã có nhiều bạn bè thân thiết của tôi xin đi làm, thực tập không lương hoặc với một mức lương tượng trưng nào đó. Một số khác gia đình khó khăn thì các bạn xin đi làm thêm, tôi thì không làm như vậy được. Hằng tháng tiền bạc ba mẹ gửi lên luôn dư dật cho tôi tiêu xài.

Thời gian rảnh của tôi chủ yếu dành cho xem phim và ngủ. Có phim hay thì tôi có thể “cày” thâu đêm và ngủ bù vào hôm sau, sẵn sàng nghỉ học, đi học muộn. Không học thêm ngoại ngữ, vi tính, không tham gia ngoại khóa, tình nguyện, đi làm thêm... nhưng thành tích học tập của tôi rốt cuộc vẫn chỉ là tấm bằng trung bình khá. 

Những năm tháng đó, thấy bạn bè giỏi giang, nhận học bổng, tài trợ là tôi nghĩ ngay đến việc bạn có một trí tuệ thông minh, sáng láng hơn người...

Tệ hại hơn, tôi ung dung nghĩ đến tương lai của mình đã có ba mẹ và người nhà sắp xếp. Nghĩ đến nỗ lực của bạn bè xung quanh vì tương lai sau này, có khi tôi cười nhạt: “Ra trường rồi, hơn thua có khi là ở số phận của mỗi người”.

Cuộc sống khá công bằng với mọi người. Tấm bằng của tôi thì cơ quan nhà nước nào cũng chê không muốn nhận.

Tôi nộp hồ sơ xin vào các công ty tư nhân thì họ còn lăn tăn không muốn mời tôi đi phỏng vấn giữa hàng loạt ứng viên có bằng giỏi và xuất sắc.

Rồi tôi có việc làm trái ngành học với mức lương không bằng tiền chu cấp hằng tháng của ba mẹ thời sinh viên. Với số tiền đó, tôi loay hoay cân nhắc, tính toán và tháng nào cũng thiếu hụt, nợ lại bạn bè. Lãng phí thời gian, tiền bạc, tuổi trẻ... để bây giờ tôi bắt đầu cuộc sống một cách vô cùng khó khăn. 

T.VY