Thông tin & Sự kiện

Kháng thuốc: Vấn đề toàn cầu

Ngày 17/11/2015 10:11

nhathuoctot.com

SKĐS - “Thuốc kháng sinh - cẩn thận khi sử dụng” - là chủ đề của Chiến dịch toàn cầu về tuần lễ chống kháng thuốc thường niên do WHO khởi động trong nhiều năm.

“Thuốc kháng sinh - cẩn thận khi sử dụng” - là chủ đề của Chiến dịch toàn cầu về tuần lễ chống kháng thuốc thường niên do WHO khởi động trong nhiều năm. Chiến dịch này sẽ được khởi động lần đầu tiên từ 16 đến 22/11/2015.

Hệ lụy báo động của tình trạng kháng kháng sinh

Hiện tượng kháng kháng sinh (KKS) sẽ xảy ra một cách tự nhiên, song việc sử dụng không đúng cách kháng sinh ở người và động vật đang làm quá trình này diễn ra nhanh hơn. KKS đã và đang là một trong những mối nguy lớn nhất của sức khỏe thế giới ngày nay. Nó có thể xảy đến với bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào, bất kỳ quốc gia nào.Các cơ chếkháng thuốc mới được tạo ra và lan rộng trên toàn thế giới mỗi ngày, đe dọa khả năng chữa trị các bệnh truyền nhiễm thường gặp của chúng ta. Ngày càng có nhiều bệnh truyền nhiễm như: viêm phổi, lao phổi, nhiễm trùng máu và bệnh lậu... trở nên khó chữa hơn, thậm chí không thể chữa được, do kháng sinh trở nên kém hiệu quả hơn.

Kháng thuốc: Vấn đề toàn cầu
 

Ở các quốc gia nơi kháng sinh có thể mua mà không cần đơn thuốc, sự xuất hiện và lan rộng của KKS còn mạnh mẽ hơn. Cũng giống như vậy, ở các quốc gia không có một hướng dẫn điều trị bệnh chuẩn, các thuốc kháng sinh thường bị các bác sĩ kê một cách bừa bãi và bị cộng đồng lạm dụng.

Khi các thuốc kháng sinh dòng đầu tiên không còn khả năng chữa các bệnh truyền nhiễm, các loại thuốc thế hệ mới cần phải được sử dụng. Bệnh kéo dài hơn, phải chữa lâu hơn, thường là ở trong bệnh viện, làm gia tăng chi phí điều trị cũng như gánh nặng về kinh tế lên gia đình và xã hội, tăng nguy cơ tử vong... Chỉ trong khu vực EU, các vi khuẩn KKS ước tính gây ra 25.000 ca tử vong và gây tổn thất hơn 1,5 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm vào các chi phí chăm sóc sức khỏe và mất sức lao động.

KKS đang đe dọa các thành tựu của y học hiện đại. Nếu không có các thuốc kháng sinh hiệu quả thì việc cấy nội tạng, hóa trị và các phẫu thuật như mổ lấy thai trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều. Nếu không có biện pháp khẩn cấp, chúng ta chắc chắn sẽ bước vào kỷ nguyên hậu KKS, khi mà các bệnh truyền nhiễm và tổn thương nhẹ lại một lần nữa có thể gây chết người.

Vì vậy, thế giới cần phải nhanh chóng thay đổi phương pháp kê và sử dụng thuốc kháng sinh. Kể cả khi chúng ta phát triển ra các loại thuốc mới, nếu không thay đổi hành vi, kháng thuốc vẫn còn là một mối nguy hại nghiêm trọng. Thay đổi về hành vi bao gồm các hoạt động làm giảm sự lan truyền của các bệnh truyền nhiễm, như tiêm chủng, rửa tay và vệ sinh thực phẩm tốt.

Phòng chống và kiểm soát như thế nào?

Đối với cộng đồng có thể phòng bệnh truyền nhiễm bằng cách rửa tay thường xuyên, vệ sinh thực phẩm tốt, tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh và tiêm chủng đúng lịch. Chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi một chuyên gia y tế đủ tiêu chuẩn; Luôn dùng hết liều được kê và không dùng đơn thuốc kháng sinh của người khác...

Chuyên gia y tế và dược sĩ có thể phòng bệnh truyền nhiễm bằng cách đảm bảo tay, các dụng cụ y tế và môi trường đều sạch sẽ; tiêm chủng cho bệnh nhân đúng lịch; khi nghi mắc bệnh truyền nhiễm, cần phải nuôi cấy vi khuẩn và làm các xét nghiệm để khẳng định; chỉ kê đơn kháng sinh khi thực sự cần trong đúng khoảng thời gian cần thiết.

Các nhà quản lý có thể xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia vững chắc nhằm vào KKS; cải thiện việc giám sát các bệnh truyền nhiễm đã phát hiện kháng kháng sinh; củng cố các biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm; kiểm soát và khuyến khích việc sử dụng đúng cách các loại thuốc đạt chuẩn; đưa thông tin về ảnh hưởng của KKS tới cộng đồng và có biện pháp khen thưởng việc phát triển các biện pháp điều trị, chẩn đoán và vắc-xin mới.

Ngành nông nghiệp có thể đảm bảo rằng các thuốc kháng sinh dùng trên động vật, bao gồm động vật nuôi lấy thịt và động vật cảnh, chỉ được sử dụng để chữa các bệnh truyền nhiễm và được giám sát bởi bác sĩ thú y; tiêm chủng cho động vật để làm giảm nhu cầu kháng sinh và phát triển các phương pháp thay thế thuốc kháng sinh ở thực vật; khuyến khích và thực hành các thói quen tốt ở tất cả các giai đoạn sản xuất và chế biến thực phẩm từ các nguồn động vật và thực vật; xây dựng các hệ thống bền vững, cải thiện vệ sinh, an ninh sinh học và giết mổ động vật nhân đạo; thực hành các tiêu chuẩn quốc tế về sử dụng thuốc kháng sinh một cách có ý thức, đặt ra bởi OIE, FAO và WHO.

Mặc dù một số loại kháng sinh mới đang được phát triển, nhưng không thuốc nào được mong đợi sẽ có hiệu quả với những loại vi khuẩn KKS ở dạng nguy hiểm nhất. Ngày nay cùng với sự phát triển và toàn cầu hóa, kháng thuốc là một vấn đề toàn cầu, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các quốc gia.

Và phản ứng của WHO

Giải quyết vấn đề KKS là ưu tiên hàng đầu của WHO. Một kế hoạch hành động toàn cầu về kháng thuốc, bao gồm KKS được thông qua tại Hội nghị Y tế Thế giới tháng 5/2015. Mục đích của kế hoạch hành động toàn cầu là đảm bảo tiếp tục phòng và chữa các bệnh truyền nhiễm với các loại thuốc an toàn và hiệu quả. Kế hoạch hành động toàn cầu có 5 mục tiêu chiến lược: Nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng thuốc; Đẩy mạnh giám sát và nghiên cứu; Giảm các trường hợp nhiễm bệnh; Tối ưu hóa việc sử dụng các thuốc kháng sinh; Đảm bảo đầu tư bền vững vào chống kháng thuốc.

Để thực hiện mục tiêu “Nâng cao nhận thức và hiểu biết về kháng thuốc”, WHO đang dẫn đầu một chiến dịch toàn cầu, trong nhiều năm, với chủ đề: “Thuốc kháng sinh: cẩn thận khi sử dụng”. WHO đang hỗ trợ các quốc gia thành viên phát triển các kế hoạch hành động quốc gia riêng để giải quyết vấn đề kháng thuốc, phù hợp với các mục tiêu của kế hoạch toàn cầu.

(Theo WHO, 10/2015)

Thanh Phúc