Thông tin & Sự kiện

Khắc phục 3 trục trặc kinh nguyệt tuổi dậy thì

Ngày 20/07/2015 20:08

nhathuoctot.com

SKĐS - Tuổi dậy thì được đánh dấu bằng chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Trong thời kỳ này, sự bất thường về kinh nguyệt với những hiện tượng như: hành kinh thất thường, rong kinh, chậm kinh, bế kinh...

Tuổi dậy thì được đánh dấu bằng chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Trong thời kỳ này, sự bất thường về kinh nguyệt với những hiện tượng như: hành kinh thất thường, rong kinh, chậm kinh, bế kinh... có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý của trẻ. Cha mẹ cần lưu ý những biểu hiện bất thường gì ở con gái? Cách xử lý như thế nào? Các bậc cha mẹ có thể tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Dậy thì muộn

Tuổi dậy thì ở bé gái phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: di truyền, dinh dưỡng, giáo dục thể chất và văn hóa, sự phát triển của xã hội, sự bùng nổ thông tin... Ngày xưa ông bà ta có câu “nữ thập tam, nam thập lục” nghĩa là trẻ gái 13 tuổi và trẻ trai 16 tuổi sẽ có các biểu hiện của dậy thì. Ngày nay câu này không còn phù hợp nữa, tuổi dậy thì của trẻ đã sớm hơn. Theo thống kê cho thấy, tuổi dậy thì trung bình của trẻ gái là 10 tuổi tại Mỹ và các nước châu Âu; 11 tuổi ở Trung Quốc. Ở Việt Nam chưa có thống kê nhưng có thể có đặc tính giống với người Trung Quốc.

Khắc phục 3 trục trặc kinh nguyệt tuổi dậy thì

Ảnh hưởng của nội tiết tố nữ lên niêm mạc tử cung trong vòng kinh.

Nếu trẻ gái có kinh muộn trên 16 tuổi gọi là dậy thì muộn. Nguyên nhân là do buồng trứng kém phát triển hoặc phát triển muộn; do cơ thể thiếu dinh dưỡng hoặc bệnh tật.

Khi thấy con có biểu hiện dậy thì muộn, trong độ tuổi từ 13 đến 15, vẫn chưa có kinh, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho con để con phát triển toàn diện về thể chất. Trường hợp con 18 tuổi vẫn chưa có kinh, cần đưa con đi khám tại các chuyên khoa sản phụ để tìm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

Rong kinh

Bình thường, thời gian có kinh của thiếu nữ từ 3 đến 5 ngày. Gọi là rong kinh khi thời gian có kinh kéo dài trên 7 ngày. Biểu hiện là: kinh ra nhiều; trẻ có da xanh xao, thiếu máu, mệt mỏi...

Chăm sóc xử lý: trong thời gian diễn ra kinh nguyệt, trẻ cần hạn chế làm những việc nặng, đặc biệt mang vác, xách nặng... để tránh rong kinh. Tránh suy nghĩ nhiều, vì stress cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến lượng kinh trong thời gian kinh nguyệt.

Nếu rong kinh không được điều trị sẽ dẫn đến các nguy cơ: nhiễm khuẩn do ra huyết kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm đường sinh dục. Viêm nhiễm lan tỏa lên hai vòi trứng, làm hẹp hoặc tắc hai vòi trứng, gây chửa ngoài tử cung hoặc vô sinh. Rong kinh cũng có thể gây rối loạn phóng noãn (rụng trứng) là một nguyên nhân gây vô sinh. Vì vậy, cha mẹ cần điều trị sớm căn bệnh này cho con.

Vô kinh

Con gái quá 18 tuổi mà vẫn chưa có hành kinh gọi là vô kinh. Nguyên nhân có thể do: rối loạn nội tiết của trục dưới đồi tuyến yên và buồng trứng với các biểu hiện vú nhỏ, không có lông mu, lông nách, âm hộ nhỏ. Do rối loạn nhiễm sắc thể giới tính. Do sự bất thường ở bộ phận sinh dục (không phát triển một phần hoặc hoàn toàn). Dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục như: không có tử cung hoặc buồng trứng, bệnh nhân sẽ thực sự bị vô kinh.

Xử lý: tất cả các trường hợp vô kinh đều phải được khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa sản của các bệnh viện.

Bế kinh

Thiếu nữ vẫn có kinh nguyệt bình thường nhưng huyết dịch bị ứ lại, không chảy ra ngoài gọi là bế kinh. Nguyên nhân do cơ quan sinh dục không phát triển một phần. Do màng trinh không có lỗ hoặc lỗ quá hẹp. Các triệu chứng bế kinh gồm: đến tuổi dậy thì, thiếu nữ bị đau bụng vùng dưới đều đặn hằng tháng, mỗi lần 3-4 ngày, sau đó trở lại bình thường. Những tháng sau, đau tăng hơn trước 5-6 lần, sau đó xuất hiện một khối trên xương mu khiến bệnh nhân đau đớn quằn quại. Bệnh nhân thấy nặng, căng tức ở âm hộ. Khi vén 2 môi bé sẽ thấy màng trinh bị huyết kinh làm giãn căng và có màu tím.

Cách điều trị: bế kinh do màng trinh không thủng thì cần rạch thủng màng trinh thì huyết kinh sẽ thoát ra ngoài. Bế kinh do khiếm khuyết ở âm đạo: do âm đạo có vách ngăn ngang hoặc không phát triển ở đoạn dưới nên huyết kinh không chảy ra ngoài được thì phải cắt vách ngăn hoặc mổ tạo hình phần âm đạo không phát triển. Bế kinh do không có âm đạo: cơ quan sinh dục chỉ có tử cung và buồng trứng mà không có âm đạo nên huyết kinh bị đọng lại trong tử cung và tràn lên vòi trứng phải phẫu thuật tạo hình âm đạo.

Nếu thiếu nữ bị bế kinh không được phát hiện và điều trị, sẽ dẫn đến các nguy cơ: huyết kinh không thoát ra được sẽ làm căng phồng tử cung rồi tràn lên vòi trứng, gây căng giãn. Lâu ngày, niêm mạc ở 2 cơ quan này bị phá hủy, vòi trứng có thể vỡ ra do căng giãn quá mức, hậu quả là bệnh nhân không thể có thai. Sự ứ đọng huyết kinh còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm tử cung, vòi trứng sau đó vỡ ra gây viêm ổ bụng, viêm phúc mạc rất nguy hiểm.

Để hạn chế nguy cơ do các chứng bệnh bất thường kinh nguyệt gây ra, khi thấy con gái ở tuổi 13-16 mà chưa hành kinh, hoặc đau bụng hàng tháng mà không có kinh... cha mẹ cần đưa các cháu đến khám và điều trị ở chuyên khoa sản của bệnh viện.

BS. Nguyễn Bùi Kiều Linh