Pha sữa sai cách, bé sẽ không nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng từ sữa bột mà còn gặp phải nhiều nguy cơ sức khỏe khác như đau bụng, tiêu hóa kém...
ThS. BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên trưởng khoa Dinh Dưỡng – Bệnh viện 19.8) sẽ chỉ ra 4 sai lầm kinh điển nhiều bố mẹ thường mắc phải khi pha sữa cho con.
1. Hiểu sai về nước ấm
Tất cả các ông bố bà mẹ đều biết rằng không nên pha sữa công thức bằng nước lạnh hay nước nóng. Loại nước tốt nhất để pha sữa là nước ấm, có nhiệt độ khoảng 30 – 40 độ C theo dúng khuyến cáo ghi trên tất cả các hộp sữa; hoặc nước ở 70 độ C sau đó đặt sữa vào ly nước lạnh, để sữa nguội đến nhiệt độ thích hợp rồi hãy cho bé uống.
Tuy nhiên, nếu bạn đã từng pha nước nóng với nước lạnh để được nước ấm thì đây là cách làm hoàn toàn không chính xác. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nước pha sữa cần phải nóng đến ít nhất là 70 độ C để thanh trùng, diệt vi khuẩn trong cả nước và cả sữa công thức. Nước để pha sữa còn phải là nước không để quá 30 phút sau khi đun sôi. Trước khi cho em bé uống, hãy làm mát một cách nhanh chóng bằng cách để bình sữa dưới vòi nước đang chảy, hoặc đặt ly sữa vào nước lạnh cho đến khi sữa hạ nhiệt độ đến mức vừa phải để bé uống được.
2. Dùng nước cháo loãng pha sữa cho con
Theo quan niệm dân gian thì nước cháo loãng hoặc nước cơm rất tốt cho trẻ. Nhiều người còn cho rằng trong giai đoạn kinh tế khó khăn, hiếm đường sữa, các bà mẹ còn dùng loại nước này nuôi con mà con vẫn khỏe mạnh, phát triển tốt. Vì vậy, việc dùng nước cơm hay nước cháo loãng để pha sữa công thức sẽ càng tốt hơn. Nhưng điều này không chuẩn xác. Phân tích từ các chuyên gia về dinh dưỡng cho thấy:
- Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi: Đây là giai đoạn trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn, nhưng nếu vì một lý do nào đó mà bạn phải cho trẻ dùng sữa công thức thì nên thận trọng, không nên dùng nước cháo loãng/nước cơm để pha. Lý do là bởi hệ tiêu hóa của trẻ giai đoạn này phát triển chưa hoàn thiện, các men và dịch tiêu hóa còn bài tiết ít, men Amylase (men tiêu hóa tinh bột) có ít vì thế trẻ chưa tiêu hóa được tinh bột, vì vậy nếu pha sữa với nước cháo/ nước cơm có thể sẽ gây nên rối loạn tiêu hóa như trẻ đi ngoài phân bọt, có mùi chua, đi nhiều lần sẽ làm cho hậu môn đỏ dễ bị chợt loét. Chưa kể nếu nước cháo không bảo quản tốt sẽ dễ bị nhiễm khuẩn gây nên tiêu chảy ở trẻ.
- Với trẻ trên 6 tháng tuổi: Trên thực tế lâm sàng, những trẻ dùng nước cháo/ nước cơm pha sữa tăng cân rất tốt. Chỉ có điều, không được pha khi nước cháo còn quá nóng, vì ở nhiệt độ cao, các vitamin và khoáng chất bị phá hủy.
Tuy nhiên, các mẹ nên để ý đến tình trạng của con, nếu có bất cứ dấu hiệu nào bất thường thì không nên pha sữa theo cách này.
3. Dùng nước hoa quả pha sữa
Thật sai lầm khi một số mẹ cho rằng, thêm nước cam hoặc chanh vào trong sữa giúp tăng hương vị khiến trẻ hứng thú với việc uống sữa hơn. Thực tế, nước cam và nước chanh đều thuộc hàng những loại hoa quả acid AHA cao, acid AHA gặp protein trong sữa sẽ làm cho protein biến chất, từ đó giảm thấp giá trị dinh dưỡng của protein.
4. Pha sữa bằng nước khoáng
Thay vì dùng nước lọc, nhiều phụ huynh chọn nước khoáng với suy nghĩ nước khoáng sẽ bổ sung thêm một số khoáng chất. Tuy vậy, suy nghĩ này hoàn toàn không đúng. Theo ThS.BS Doãn Thị Tường Vi thì trong sữa công thức đã được bổ sung đầy đủ vi chất theo tỷ lệ phù hợp với sự phát triển của trẻ trong từng giai đoạn. Việc dùng nước khoáng có pha sữa có thể khiến cơ thể trẻ thừa một số loại khoáng, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ. Chẳng hạn như canxi, khi bị thừa có thể dẫn tới táo bón, sỏi thận…
Như vậy, các bà mẹ hoàn toàn không nên “sáng tạo” trong việc pha sữa cho trẻ, hãy thực hiện đúng với khuyến cáo của các chuyên gia về dinh dưỡng và hãy yên tâm rằng bé yêu của bạn đã được bổ sung đầy đủ dưỡng chất từ ly sữa này.