Một số nguyên nhân khác gây hạ can xi máu ở trẻ sơ sinh là do trong thời kỳ mang thai mẹ không được cung cấp đủ can xi, bị nhiễm độc thai nghén, nhau tiền đạo, đái tháo đường, đẻ khó; cường tuyến giáp, trẻ bị ngạt, sau đẻ trẻ bị thiếu ô xy máu,…
Ảnh minh họa
|
Biểu hiện khi trẻ sơ sinh bị hạ can xi máu
Biểu hiện của thiếu can xi máu tùy thuộc vào mức độ, có thể gặp các dấu hiệu như: Khi ngủ trẻ hay bị giật mình và mỗi lần như vậy có những cơn khóc thét, co cứng toàn thân, đỏ và tím mặt, cơn khóc kéo dài có thể nhiều giờ hoặc suốt đêm. Càng dỗ, càng ru, càng cho bú càng khóc, có thể ngưng thở trong cơn khóc. Trẻ bị hạ can xi máu hay có những cơn co thắt thanh quản gây khó thở, nấc cụt, ọc sữa,… Nếu không được điều trị tốt thì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ xương và gây còi xương sớm, biến dạng xương, gù vẹo cột sống,… Ở những trường hợp thiếu can xi nặng có thể ngưng thở, có những cơn tăng nhịp tim và có thể gây suy tim, thậm chí tử vong.
Do đó, nếu trẻ sơ sinh có biểu hiện của hạ can xi máu cần phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để khám và điều trị thích hợp để tránh nguy cơ tử vong và các biến chứng phát triển xương của trẻ sau này.
Phòng ngừa như thế nào?
Để phòng ngừa hạ can xi máu ở trẻ sơ sinh, trong thời gian mang thai người mẹ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn thực phẩm chứa can xi như sữa, tôm, cá, cua,…; Khám thai định kỳ; Sau khi sinh, mẹ vẫn phải ăn uống đầy đủ chất, không ăn kiêng nhất là cua, tôm, cá và các thực phẩm khác có nhiều can xi; Phải cho trẻ bú càng sớm càng tốt ngay sau sinh, nhưng nếu chỉ bú sẽ mẹ mà không ra ánh sáng thì sự hấp thụ can xi sẽ giảm vì không có vitamin D cho nên các bà mẹ cần chú ý cho trẻ bú sớm và bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu, bú kéo dài đến khi trẻ 2 tuổi và không nên kiêng cữ như nằm trong buồng tối, hạn chế trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều tuần, nhiều tháng sau đẻ dẫn đến cả mẹ và con đều có nguy cơ thiếu vitamin D gây giảm hấp thu canxi và hạ can xi máu.
Bác sĩ Thu Lan