HPV là gì và nguy hiểm ra sao?
HPV là từ viết tắt của Human Papillomavirus. Đây là siêu vi gây u nhú (mụn cóc) trên da và niêm mạc ở người. Có khoảng 40 chủng siêu vi HPV có thể gây tổn thương ở vùng sinh dục của phụ nữ, được lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc tình dục.
Theo thống kê, tỷ lệ nhiễm HPV lên đến 10.2%. Điều này có nghĩa là cứ 10 phụ nữ thì có 1 người đang nhiễm HPV. Đây là một thực trạng đáng báo động cho thấy mức độ nhận thức về HPV và vắc xin ngừa HPV vẫn còn khá hạn chế.
Trong 40 loại HPV, có đến 73% trường hợp nhiễm HPV là nhiễm HPV chủng 16, 18. Điều này cho thấy HPV chủng 16, 18 là các chủng siêu vi phổ biến nhất ở những trường hợp bị ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, mụn cóc sinh dục, … Và đặc biệt nghiêm trọng hơn khi đây cũng là 2 chủng HPV gây ung thư cổ tử cung cao nhất. Thế nên, việc dự phòng bằng vắc xin ngừa HPV thật sự quan trọng và cần thiết, nhất là với phụ nữ. Bên cạnh đó, căn bệnh mụn cóc sinh dục cũng là cơn ác mộng với nhiều người, bởi không chỉ khó trị tận gốc mà còn gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Khi không được chữa trị, mụn cóc sinh dục có thể không biến mất mà vẫn còn nguyên, tiến triển rất nhanh. Vì thế, chủng ngừa vắc xin luôn là biện pháp dự phòng chủ động tối ưu.
Lời khuyên từ chuyên gia y tế
Theo ThS.BS Lê Quang Thanh (Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM), tiêm chủng vắc xin là cách phòng bệnh an toàn, hiệu quả và lợi ích. Đánh giá về mức độ phổ biến của vắc xin ngừa siêu vi HPV, ông cho biết: “Ngày càng có nhiều phụ nữ đến và tìm hiểu thông tin để được tiêm chủng nếu còn trong lứa tuổi cho phép (9-26 tuổi) hoặc để đưa người thân của họ đến tiêm chủng. Cho đến nay đã có hơn 900.000 liều vắc xin tứ giá được sử dụng, và số người tiêm năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này cho thấy việc tiêm vắc xin ngừa siêu vi HPV ngày càng được hưởng ứng rộng rãi trong cộng đồng”.
Hiện nay, may mắn là ung thư cổ tử cung là loại ung thư ở phụ nữ có thể ngăn ngừa dễ nhất - bằng hai cách chủng ngừa siêu vi HPV và xét nghiệm tầm soát định kỳ (dùng để phát hiện các dấu hiệu bệnh sớm) bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này nhằm tìm các tế bào bất thường sớm trên cổ tử cung mà với thời gian chúng có thể tiến triển thành ung thư. Bằng cách này, bệnh có thể được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời trước khi tiến triển thành ung thư. Phụ nữ nên bắt đầu làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung vào lúc 21 tuổi, hoặc ba năm sau khi có quan hệ tình dục lần đầu (tùy theo việc nào xảy ra trước). Sau lần xét nghiệm tế bào cổ tử cung đầu tiên, phụ nữ nên xét nghiệm tế bào cổ tử cung ít nhất mỗi 2 năm một lần. Còn các loại bệnh không có vắc xin thì buộc lòng chúng ta phải dựa vào các biện pháp dự phòng khác (như: tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ hoặc tầm soát phát hiện bệnh sớm).
Do đó, chủ động phòng ngừa các bệnh do HPV gây ra bằng việc tiêm vắc xin là biện pháp an toàn, hiệu quả và lợi ích. Bởi vì dự phòng chủ động khi người phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh luôn là biện pháp tối ưu.
Quỳnh Lam