Công nghệ di truyền sẽ định hình cho “thuốc gen”
Khoa học công nghệ đã cách mạng hóa mọi thứ, từ giải trí cho đến việc làm, tạo ra cuộc cách mạng mang tên “cá thể hóa”, trong đó, mọi người tự làm mọi thứ cho chính bản thân. Một xu hướng tương tự cũng đang âm thầm diễn ra trong y học. Thuật ngữ “thuốc gen” hay y học cá thể hóa (personalized medicine- PM) ra đời để nói về trào lưu này, hiểu nôm na, người nào thuốc nấy. Thực ra phương pháp này có nguồn gốc từ thời cổ đại, Hippocrates đã từng kê đơn người nào thuốc nấy, không ai giống ai, dựa trên đặc thù bệnh mà mỗi người mắc phải. Ngày nay, y học hiện đại cũng đang sử dụng các nguyên tắc trên, được hỗ trợ mạnh mẽ từ các thành tựu của công nghệ gen.
Gần đây, nhiều nghiên cứu di truyền ra đời, giúp con người hiểu sâu về chính bản thân mình. Một trong những phát minh làm thay đổi thế giới và lĩnh vực di truyền nói riêng là dự án giải mã gen người Human Genome. Nỗ lực vượt bậc của Chính phủ Mỹ nhằm xác định các gen tạo nên DNA. Với việc hiểu được trình tự gen, bác sĩ hoàn toàn có thể xác định nguy cơ mắc bệnh ngay từ khi cơ thể đang khỏe mạnh, xác định đặc điểm hệ gen của tế bào ác tính, từ đó trị liệu dựa trên các đột biến gen. Đây chính là một trong những tiền đề cho nền y học cá thể, xu hướng phát triển tất yếu của y học tương lai.
“Thuốc gen” - Hướng mới của ngành công nghiệp dược trong tương lai.
Tìm hiểu bản thân trên góc độ diện di truyền
Nếu nắm được thông tin gây bệnh thì sẽ có giải pháp điều trị hiệu quả hơn, điều này không chỉ quan trọng đối với mỗi người mà nó còn có ý nghĩa đối với ngành y. Nó giúp con người có cuộc sống mới, hạn chế nguy cơ chết trẻ. Mặt khác, biết rủi ro cho phép can thiệp sớm trước khi bệnh tật phát sinh. Ngoài ra, thông tin di truyền còn giúp chúng ta giải quyết những vấn đề có liên quan đến sức khỏe, như ăn uống kiêng khem, luyện tập hay lối sống.
Theo TS. Howard L. McLeod của Viện Di truyền & Liệu pháp y học cá thể hóa ở Đại học North Carolina, Mỹ, lợi ích thiết thực của công nghệ di truyền cho y học cá nhân là thông tin trong bộ gen người giúp ra quyết định chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là việc lựa chọn một số loại thuốc. Bác sĩ có thể sử dụng thông tin di truyền để lên kế hoạch chăm sóc mang lại lợi ích tối đa, giảm thiểu phản ứng phụ và tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Ví dụ, thông qua công nghệ di truyền, các nhà khoa học có thể xác định ung thư vú phản ứng với một số loại thuốc, không phát sinh tác dụng phụ nghiêm trọng giống như liệu pháp điều trị hiện nay.
Tuy nhiên, một khi không hiểu chính xác về nguy cơ gây bệnh tật, có thể biến “phúc thành họa”, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm đối với những người cung cấp thông tin sai lệch hay cẩu thả. Điều này giống như khám bệnh hiện nay, nếu các kết quả khám bệnh, xét nghiệm, chiếu chụp không chính xác hoặc bị “nhân bản” thì mối nguy cơ rất tiềm ẩn. Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ hành lang pháp lý cụ thể trong lĩnh vực này.
Tương lai của y học cá thể hóa
Một trong những ví dụ về công nghệ di truyền đã được sử dụng rộng rãi trong y học là chăm sóc sức khỏe trước khi sinh. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, hầu hết phụ nữ Mỹ đều trải qua một số xét nghiệm sàng lọc di truyền, loại bỏ những bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Down thông qua xét nghiệm máu đơn giản. Công nghệ di truyền hiện tại cũng được sử dụng để sàng lọc một số loại bệnh nan y cho người lớn như bệnh mất trí và bệnh Lou Gehrig, nhất là ở nhóm người có tiền sử gia đình, rủi ro mắc bệnh cao.
Trong một số trường hợp, công nghệ di truyền cũng có thể cho biết ai là người đáp ứng với liệu pháp truyền thống nào, ai không. Nhưng có được thông tin di truyền sẽ giúp đảm bảo cho người bệnh nhận được đúng thuốc dựa trên phân tích DNA. Thực tế cho thấy, hầu hết các loại thuốc hiện có chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn để lại nhiều tác dụng phụ, như kháng thuốc hay phản ứng phụ là ví dụ. Với PM, bệnh nhân sẽ được tiến hành một loạt các thử nghiệm di truyền ở cấp độ phân tử để dự đoán xu hướng mắc bệnh, phát hiện bệnh sớm, gợi ý thay đổi lối sống cho phù hợp và đề ra phương pháp điều trị tối ưu, như hóa trị ở bệnh nhân ung thư hay dùng thuốc nào để làm co ngót khối u. Vì vậy “thuốc gen” được xem là viên đạn thần “trúng nhiều đích”, thỏa mãn các tiêu chí “đúng” như đúng thuốc, đúng bệnh, đúng thời điểm, đúng liều, đúng người và đúng ý định.
Cũng phải nói thêm rằng, bệnh tật xuất hiện không chỉ do tương tác giữa gen với gen mà còn do nhiều yếu tố khác nữa. Mặc dù còn nhiều rào cản, nhưng những thành tựu đã đạt có thể khẳng định, y học “thuốc gen” không còn xa nữa, sẽ giúp nhân loại chế ngự được nhiều căn bệnh nan y.
(Theo Howstuffworks)
Trịnh Hải Yến