Thông tin & Sự kiện

Coi chừng trẻ bị chốc lở trong mùa hè

Ngày 04/08/2016 15:42

nhathuoctot.com

Chốc lở là một bệnh nhiễm khuẩn da, rất dễ lây, hay gặp ở trẻ em. Chốc lở thường xuất hiện trên mặt, nhất là quanh mũi và miệng của trẻ.

Chốc lở là một bệnh nhiễm khuẩn da, rất dễ lây, hay gặp ở trẻ em. Chốc lở thường xuất hiện trên mặt, nhất là quanh mũi và miệng của trẻ. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua các vết thương hay côn trùng đốt hoặc xảy ra trên da bình thường. Mùa hè ra nhiều mồ hôi nên nguy cơ chốc lở càng tăng.

Da bị trầy xước dễ mắc bệnh

Có nhiều loại vi khuẩn ký sinh trên da, trong đó 2 loại vi khuẩn là tụ cầu và liên cầu hay gặp gây bệnh. Chúng xâm nhập cơ thể qua một vết thương, vết cắn của côn trùng gây nhiễm khuẩn. Trẻ em thường bị bệnh chốc lở do nhiễm khuẩn qua vết rách da, do cạo, cắt hoặc côn trùng đốt. Ở người lớn, chốc lở cũng thường xảy ra sau tổn thương da hoặc viêm da. Nếu nhiễm tụ cầu khuẩn, chúng có khả năng sản xuất một loại độc tố làm cho chốc lở lan rộng.

Tuy mọi người đều có thể bị chốc lở, nhưng trẻ em từ 2 - 6 tuổi và trẻ sơ sinh thường bị chốc lở nhiều nhất. Những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, hoặc chăm sóc bệnh nhân, tiếp xúc với các đồ dùng của bệnh nhân như giường, chiếu, chăn màn, quần áo rất dễ bị nhiễm bệnh. Ở những nơi tập trung đông người như chợ, lớp học, siêu thị, nhà trẻ... dễ lây lan bệnh. Thời tiết nóng ẩm mùa hè, những bệnh nhân bị viêm da mạn tính, viêm da dị ứng, bệnh nhân đái tháo đường... là đối tượng dễ mắc bệnh.

Chốc lở có nhiều thể bệnh

Trong bối cảnh mùa hè nắng nóng, một bệnh nhân chốc lở thường có các triệu chứng sau: có vết loét đỏ trên da, nhanh chóng vỡ, sau đó hình thành một lớp vỏ màu vàng nâu. Bệnh nhân rất ngứa. Vết chốc thường không đau, có dịch tiết lỏng chứa đầy mụn nước. Những ca bệnh nặng, bệnh nhân bị đau đớn, chất lỏng hoặc vết loét đầy mủ tiến triển dần thành vết loét sâu. Cần phân biệt mấy dạng chốc lở sau đây:

Chốc lở truyền nhiễm là thể bệnh hay gặp nhất, có các triệu chứng: đầu tiên là một số nốt mụn đỏ trên mặt, thường quanh mũi và miệng. Các nốt mụn nhanh chóng vỡ ra, chảy dịch hoặc mủ và đóng vảy màu nâu. Cuối cùng vảy sẽ bong ra, để lại một vết đỏ nhưng không gây sẹo. Các mụn có thể ngứa nhưng không đau. Trẻ em bị bệnh không sốt nhưng thường bị sưng hạch ở quanh vùng có vết chốc. Vết chốc lở rất dễ lây lan sang các vùng da lành khác nếu bị dây dịch của vết chốc.

Chốc lở dạng phỏng, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, triệu chứng là: những nốt phỏng nước chứa đầy dịch và không đau, thường thấy ở thân mình, cánh tay và cẳng chân. Da xung quanh nốt phỏng đỏ và ngứa nhưng không loét. Các nốt phỏng sẽ vỡ và đóng vảy màu vàng, thường lâu liền hơn các dạng chốc lở khác.

Thể mụn mủ, là thể nặng nhất, trong đó nhiễm khuẩn ăn sâu vào lớp bì, với các triệu chứng: các nốt mụn đau chứa đầy dịch hoặc mủ biến thành vết loét sâu, thường ở cẳng chân và bàn chân. Trên vết mụn có vảy dày, cứng màu vàng xám. Sưng hạch ở xung quanh vết chốc.

Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh chốc lở nếu nặng và không được điều trị kịp thời có thể xảy ra biến chứng nặng gây tử vong. Vì vậy, việc phòng bệnh rất quan trọng. Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả gồm: luôn luôn giữ cho da sạch sẽ bằng cách tắm rửa hàng ngày với nước sạch. Điều trị tích cực vết thương, vết xước, vết côn trùng cắn trên da bằng cách rửa sạch vết thương, dùng thuốc sát khuẩn, mỡ kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Bệnh nhân chốc lở cần được cách ly ở phòng riêng, dùng riêng các đồ dùng sinh hoạt như chăn màn, khăn tắm, chậu rửa mặt... để tránh lây lan cho người khác. Phải giặt quần áo, đồ vải và khăn của bệnh nhân riêng và khử khuẩn bằng cách luộc sôi từ 5 - 10 phút. Người chăm sóc bệnh nhân cần đeo găng tay khi tiếp xúc, thay băng... Trẻ bị bệnh cần được cắt móng tay ngắn để tránh trầy xước da khi trẻ gãi. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch với xà phòng sát khuẩn.

BS. Phạm Quốc Tuấn