Thông tin & Sự kiện

Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường dược phẩm

Ngày 28/01/2013 14:26

Song song với sự phát triển đa dạng, phong phú của các sản phẩm dược trên thị trường là sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt của các DN dược.

Song song với sự phát triển đa dạng, phong phú của các sản phẩm dược trên thị trường là sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt của các DN dược.


Cạnh tranh gay gắt

Tiên phong phải kể đến Dược phẩm Traphaco với Hoạt huyết Dưỡng não đã từng làm mưa làm gió trên thị trường đầu những năm 2000 và dường như không có đối thủ. Sau này, rất nhiều Cty có các sản phẩm cùng chủng loại. Các sản phẩm quảng cáo đập vào mắt vào tai hàng ngày tính sơ sơ đã có hàng chục nhãn hàng mang tên Hoạt huyết Dưỡng Não… Đó là chưa kể đến các sản phẩm tên khác đi một chút nhưng tính năng, tác dụng na ná nhau như: Tuần hoàn Não Thái Dương , Hoạt huyết Nhất Nhất, Hoạt huyết Minh Não Khang. Nhiều sản phẩm hoạt huyết mới được quảng cáo rầm rộ khiến độ “hot” của hoạt huyết dưỡng não gắn với thương hiệu Traphaco suy giảm và vinh quang một thuở cũng chìm dần vào quá khứ. Tương tự, các sản phẩm chữa bệnh viêm khớp, viêm đại tràng, tiểu đường…vốn là các bệnh khó chữa cũng ngày càng nhiều và vì thế mà chẳng có sản phẩm nào chiếm vị trí độc tôn như Hoạt huyết Dưỡng Não tạo nên hoàng kim một thời của Traphaco.

“Miếng bánh” thị trường ngày một thu hẹp, các DN dược nhỏ lẻ, không có một chiến lược dài hơi, không có sức cạnh tranh đều bị loại ra khỏi cuộc chơi. Ngay cả những DN lớn, có nhà máy sản xuất, có bộ phận kinh doanh và làm thương hiệu rầm rộ cũng không tránh khỏi việc doanh số bị suy giảm.

Chiến lược phát triển

Với sự cạnh tranh ngày càng lớn, các DN phải có một chiến lược riêng. Có DN tung ra một loạt các sản phẩm mới về chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe như Sao Thái Dương, Hoa Linh, Nhất Nhất, Dược phẩm Á Âu..... Tuy nhiên, việc các sản phẩm đó có trụ vững và chiếm lĩnh thị trường một cách bền vững hay không thì còn phải chờ thời gian kiểm định về chất lượng.

Ra đời từ ý định nâng cấp bài thuốc gia truyền của gia đình lên để tạo ra các thương hiệu mới mang tên mình, DS. Lê Thị Bình -vốn là cháu ngoại bà lang Giằng - không ngần ngại giao thương hiệu thuốc chữa xương khớp nổi tiếng mà mình đã bỏ công sức gây dựng 10 năm trời cho gia đình để toàn tâm toàn ý làm cái mới- Cty Dược phẩm Tâm Bình. Nhiều người cho hướng đi của DS. Bình là tự làm khó mình vì đầu tư từ đầu mà thành công thì không thể nói trước. Nhưng cách nghĩ của chị thì khá đơn giản: Cái gì lên đến đỉnh thì rồi tự nó cũng sẽ xuống dốc nên việc gác thương hiệu ở đỉnh cao của sự nổi tiếng để làm cái mới chỉ là việc sớm hay muộn.

Lý giải vấn đề này, PGS- TS. Nguyễn Huy Oánh- nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Dược cho rằng: Người làm nghề thuốc hiện nay không những phải có “nghề” mà còn phải đổi mới tư duy, cách làm để có những sáng tạo không ngừng và có lối đi riêng thì mới tồn tại. Trong bối cảnh người tiêu dùng có nhiều lựa chọn như hiện nay mà vẫn làm theo cách cũ, không có sự đổi mới và phát triển lên thì sẽ không còn phù hợp với xu thế tiêu dùng nữa; thương hiệu dù nổi tiếng mấy cũng sẽ bị chìm vào quên lãng. Chính vì thế, thương hiệu sẽ phát triển và nổi tiếng với người này nhưng lại là sự thất bại với người khác- người trong nghề nói nôm na là có “lộc” thuốc, có “duyên” với nghề hay không. Nếu không có sự tâm huyết, tỉ mẩn và tự nâng tầm mình lên thì tất yếu không tránh được sự đào thải của thị trường…

Bùi Kim Xuyến
Theo PLVN