Thông tin & Sự kiện

Cam thảo Bắc - Vị thuốc đa dụng

Ngày 05/12/2015 10:00

nhathuoctot.com

SKĐS - Cam thảo Bắc mà YHCT thường sử dụng thuộc họ đậu (Fabaceae), là những đoạn rễ dài, khoảng 0,3 - 0,5m, bên ngoài có vỏ nhăn nheo, màu nâu thẫm; bên trong có màu vàng nghệ, hoặc vàng nhạt, vị ngọt đậm, thơm, đặc trưng.

Theo Đông y, cam thảo Bắc là một vị thuốc bổ khí, có vị ngọt, tính bình, nhập vào các kinh tâm, phế, tỳ ,vị, với công năng kiện tỳ, ích khí, nhuận phế, chỉ ho, giải độc chỉ thống. Cam thảo Bắc được dùng làm thuốc trong các cổ phương:

Bổ trung ích khí thang: cam thảo Bắc 10g, hoàng kỳ 20g; đảng sâm, bạch truật, đương quy, thăng ma, sài hồ, trần bì, mỗi vị 6g. Làm viên hoàn mật ong, mỗi lần uống 15g, ngày 2 lần. Tác dụng kiện tỳ. Trị các chứng tỳ, vị hư nhược, trung khí hạ hãm, vô lực, kém ăn, tiêu chảy lâu ngày dẫn đến lòi dom; hoặc các chứng sa giáng tử cung, dạ dày, ruột... Thường sử dụng một liệu trình 3- 4 tuần, đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

Cây cam thảo bắc.

Quy tỳ thang: cam thảo Bắc, đương quy, viễn chí, mỗi vị 4g; bạch truật, hoàng kỳ, phục thần, hắc táo nhân, mỗi vị 12g; đảng sâm, mộc hương, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần uống trước bữa ăn. Trị các chứng tiêu hóa kém, ăn uống không biết ngon, người xanh gầy, kém ngủ, kèm theo đau bụng quặn, đi ngoài phân sống nát, nhất là vào lúc 3-4 giờ sáng. Có thể uống liền 3-4 tuần cho đến khi hết các triệu chứng.

Nhân sâm dưỡng vinh hoàn: cam thảo Bắc, đương quy, bạch thược, hoàng kỳ, nhục quế, trần bì, mỗi vị 10g; nhân sâm, bạch truật, thục địa, phục linh, ngũ vị tử, mỗi vị 7,5g; viễn chí 5g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần sau bữa ăn 1 giờ rưỡi đến 2 giờ. Tác dụng bổ khí, bổ huyết, trị chứng khí huyết lưỡng hư, người thiếu máu, da xanh gầy, cơ thể mệt mỏi, kèm theo kém ăn, kém ngủ; đặc biệt tốt đối với những người mới ốm dậy. Phương này cũng thích hợp cho người thường xuyên có cảm giác lạnh, chân tay lạnh, lưng gối lạnh, nhất là những người cao tuổi có sức khỏe yếu. Ngoài cách sắc, cũng có thể thêm mật ong làm hoàn, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần.

Lưu ý, với tính chất làm thuốc bổ khí, kiện tỳ, cam thảo Bắc thường được sao với cám gạo, hoặc chích với mật ong.

Ma hạnh thạch cam thang: cam thảo Bắc, ma hoàng, hạnh nhân, mỗi vị 6g; thạch cao 18g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng trị ho, khó thở, khi sốt cao.

Chỉ khái tán: cam thảo Bắc 3g; bách bộ, tử uyển, bạch tiền, cát cánh, kinh giới, mỗi vị 9g; trần bì 6g. Sắc uống, ngày 1 thang. Tác dụng trị ho, nhiều đờm.

Nước sắc sinh cam thảo Bắc làm giảm các cơn co thắt đường tiêu hóa, như co thắt dạ dày, ruột gây đau đớn.

Cam thảo Bắc có tác dụng chống ôxy hóa, hạ đường huyết... nên dùng tốt cho người đái tháo đường týp II và xơ vữa động mạch do chứa các flavonoid. Tuy nhiên, dùng lâu dài gây giữ nước và muối trong cơ thể, dẫn đến phù nề nên hạn chế dùng cho người bị tăng huyết áp.

Cam thảo Bắc còn được sử dụng để “dẫn thuốc” vào kinh và giải độc tố cho cơ thể; dùng chế biến một số vị thuốc có độc tính lớn như sinh phụ tử.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh