nhathuoctot.com
Sốt xuất huyết (SXH) là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường gặp trong mùa nắng nóng; do virut Dengue gây ra, được truyền từ người sang người qua muỗi đốt, rất dễ thành dịch. Bệnh diễn biến phức tạp và rất nguy hiểm do sau xuất huyết có thể gây ra hội chứng sốc, hạ tiểu cầu và cô đặc máu.
Do chưa có vắc-xin dự phòng nên y học hiện đại điều trị bằng: bù lại sớm khối lượng tuần hoàn, nước, chất điện giải, albumin và máu khi cần thiết, thực hiện sớm trước khi có sốc hình thành. Phòng bệnh bằng diệt muỗi. Theo y học cổ truyền, sốt xuất huyết thuộc ôn dịch thời độc, thấp nhiệt dịch. Nhiệt độc tấn công vào phần ngoài cơ thể (phần vệ, phần khí) gây sốt cao; sau đó xâm nhập vào phần sâu hơn (phần dinh, phần huyết) gây xuất hiện ban chẩn và xuất huyết. Tùy mức độ bệnh mà lựa chọn bài thuốc cho phù hợp.
Trẻ bị sốt xuất huyết có biến chứng điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Phương Liễu
Giai đoạn nhiệt độc xâm phạm phần vệ, phần khí: Sốt cao, lúc đầu hơi sợ lạnh, sốt liên tục cả ngày lẫn đêm, nhức đầu, đau người, lưỡi đỏ thẫm, rêu lưỡi trắng hoặc vàng mỏng, mạch sác. Sau đó xuất hiện triệu chứng: sốt rất cao, mặt đỏ, mắt đỏ, chân tay tê bì, ngực bụng đầy tức, nôn hoặc buồn nôn, đại tiện táo kết hay lỏng nát, tiểu tiện đỏ sẻn... (tương đương SXH độ I theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới). Phép chữa: thanh giải nhiệt độc. Dùng một trong các bài:
Bài 1: cam thảo 4-8g, hoạt thạch 24-48g. Cho thuốc vào túi vải, hãm trong nước sôi 20-30 phút. Uống ngày 3-4 lần. Tác dụng giải nhiệt tà.
Bài 2: kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, sơn tra 10g, cúc hoa 10g, đường phèn 20-30g. Thái nhỏ dược liệu, hãm với nước sôi 20-30 phút. Gạn lấy nước, thêm đường uống thay nước trong ngày. Tác dụng sơ phong, thanh nhiệt, giải độc.
Bài 3: Thạch cao 40g, lá tre tươi 30g, trúc nhự 30g, lô căn 30g, gạo tẻ 100g, đường phèn vừa đủ. Thạch cao sắc trước 15 phút, sau đó cho các thuốc khác vào, sắc lấy nước bỏ bã, cho gạo vào nấu cháo, hòa đường vào. Chia ăn trong ngày. Tác dụng thanh nhiệt giải độc.
Giai đoạn nhiệt độc xâm phạm phần khí, dinh và huyết (thể khí dinh lưỡng phiền): sốt cao, đau người, đau đầu, nhức khung mắt, mặt đỏ, lưng chân tay có điểm xuất huyết, chảy máu cam, miệng khát, có khi nôn mửa, có hạch ở nách, khuỷu tay và bẹn, mạch phù sác hay hồng đại. Phép chữa: thanh nhiệt giải độc, tả hỏa cầm máu. Dùng một trong các bài:
Bài 1: lá tre 20g, hạ khô thảo 20g, rễ cỏ tranh 16g, cỏ nhọ nồi 16g, trắc bách diệp 16g. Sắc uống trong ngày.
Bài 2: kim ngân hoa 20g, liên kiều 12g, hoàng cầm 12g, rễ cỏ tranh 20g, cỏ nhọ nồi 16g, hoa hòe 16g, chi tử 8g. Nếu khát nước thêm huyền sâm 12g, sinh địa 12g; sốt cao, thêm tri mẫu 12g. Sắc uống trong ngày.
Bài 3: Cam thảo 4g, hoạt thạch 24g, thanh đại 24g. Tán bột uống với nước ấm hoặc cho vào túi, hãm nước sôi 20-30 phút, uống trong ngày.
Bài 4: huyền sâm 20g, sừng trâu 12g, sinh địa 24g, trúc diệp tâm 12g, đan sâm 16g, mạch đông 12g, kim ngân hoa 16g, liên kiều 16g, hoàng liên 4g. Sắc uống. Tác dụng tư âm giáng hỏa. Trị bệnh nhiệt làm tổn thương âm, tim hồi hộp, miệng khát.
Nếu đang sốt đột ngột nhiệt độ hạ thấp, huyết áp tụt, mạch nhanh, người mệt mỏi, vã mồ hôi, chất lưỡi đỏ, mạch trầm tế sác: Nhất thiết phải dùng biện pháp Tây y để bù lại sớm khối lượng tuần hoàn, nước, chất điện giải, albumin và máu. Kết hợp với Đông y để bổ khí, sinh tân dịch. Dùng một trong các bài:
Bài 1: Huyết áp tụt ít: bạch truật 20g, đảng sâm 20g, mạch môn 12g, thục địa 12g. Sắc uống.
Bài 2: Nếu huyết áp hạ nhiều: nhân sâm 8g, ngũ vị tử 8g, mẫu lệ nung 20g, phụ tử chế 12g, mạch môn 8g, long cốt 20g, thục địa 10g. Sắc uống.
Giai đoạn phục hồi: Hết sốt, ban xuất huyết mờ dần, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, hoa mắt chóng mặt, lưng gối đau mỏi, ngủ kém, đại tiện lỏng nát... Tùy theo triệu chứng cụ thể, dùng một trong các bài:
Bài 1: thang “Ích vị”: sa sâm 16g, sinh địa 20g, ngọc trúc 12g, mạch đông 12g. Sắc uống. Trị bệnh nhiệt về cuối kỳ còn sốt lai rai, họng khô, miệng khát.
Bài 2: thang “Chỉ truật”: bạch truật 12g, chỉ thực 6g. Sắc uống hoặc tán bột làm viên hoàn. Mỗi lần uống 8g, ngày uống 2-3 lần, chiêu với nước cơm. Dùng khi công năng của tỳ, vị đều hư nhược, tiêu hóa không tốt, không muốn ăn uống.
Bài 3: xương dê (dương cốt) khoảng 500-1.000g, gạo tẻ 100g. Xương dê làm sạch, chặt khúc đem nấu cháo với gạo tẻ; khi được cháo, thêm muối, gừng tươi, hành, gia vị. Cho ăn nóng khi đói. Dùng cho các trường hợp xuất huyết dưới da do giảm tiểu cầu, thiếu máu do thiếu dinh dưỡng.
Bài 4: thang “Đương quy bổ huyết”: hoàng kỳ 63g, đương quy 8g. Sắc xong, thêm ít nước tiểu trẻ em khỏe mạnh vào và uống. Dùng trong trường hợp suy nhược sau khi mất máu nhiều, huyết hư phát sốt.
TS. Nguyễn Đức Quang